Hàng loạt quốc gia đối mặt với làn sóng Covid-19 mới với mức độ lây lan tồi tệ
Số ca mắc Covid-19 tại nhiều nước châu Âu và châu Mỹ vẫn gia tăng không ngừng, thậm chí mức độ lây lan còn tồi tệ hơn năm ngoái.
Các nước châu Âu và châu Mỹ đang phải đối mặt với làn sóng Covid 19 mới. Mặc dù chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được tiến hành rộng khắp nhưng số các ca mắc Covid-19 vẫn gia tăng không ngừng tại nhiều quốc gia, thậm chí mức độ lây lan còn tồi tệ hơn năm ngoái. Điều này buộc nhiều nước phải tiến hành phong tỏa toàn quốc hoặc kéo dài các biện pháp phòng dịch.
Theo bà Carissa Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), số ca mắc mới ở khu vực châu Mỹ đang tăng lên một cách đáng lo ngại và sẽ còn tồi tệ hơn thậm chí ngay cả tại cả các nước đã vượt qua làn sóng Covid-19 thứ nhất, nếu không có những biện pháp ứng phó phù hợp.
Bà Carissa kêu gọi người dân ở nhà và chính phủ các nước cần cân nhắc trước khi nới lỏng giới hạn đi lại. Hiện tại, Brazil, Peru, Chile và Paraguay đang có tỷ lệ tử vong do Covid-19 lớn nhất và làn sóng dịch mới đang khiến các bệnh viện quá tải. Đến nay, hơn 19,7 triệu ca mắc Covid-19 và 475.000 ca tử vong đã được xác nhận ở các nước châu Mỹ. Trong khi đó, 124 triệu người đã được tiêm vaccine lần 1 và 58 triệu người ở đây được tiêm vaccine nhắc lại. Tổ chức Y tế liên Mỹ cũng vừa xác định có ít nhất là một trong ba biến thể của virus SARS-CoV-2 có sức lây lan mạnh hơn nhiều tại 32 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Mỹ.
Tại châu Âu, biến chủng phát hiện đầu tiên tại Anh được xem là nguyên nhân chính của làn sóng lây nhiễm mới. Giới khoa học cho rằng biến chủng Anh có mức độ lây lan mạnh mẽ hơn nhiều so với các biến chủng trước đó.
Trong nỗ lực ngăn chặn "làn sóng thứ 3" của dịch Covid-19, tối qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quyết định phong tỏa toàn quốc lần thứ 3. Theo đó, các trường học từ nhà trẻ đến trung học sẽ đóng cửa trong 3 tuần kể từ ngày 5/4. Sự hạn chế di chuyển, đang có hiệu lực từ ngày 18/3 tại 19 tỉnh sẽ được mở rộng trên toàn bộ lãnh thổ. Tổng thống Macron kêu gọi người dân Pháp không nên "đánh cược bản thân với dịch bệnh".
“Mọi người cần phải cảnh giác, hạn chế tiếp xúc, gặp gỡ và giao lưu gần với người khác càng nhiều càng tốt. Điều này có nghĩa là lệnh giới nghiêm lúc 19h sẽ được duy trì ở khắp mọi nơi. Làm việc tại nhà chắc chắn là biện pháp hữu hiệu nhất. Tôi kêu gọi tất cả người lao động và tất cả người sử dụng lao động coi đây là quyền lợi của mình”, Tổng thống Macron nhận định.
Các quốc gia khác như Italy, Đức cũng gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng chống đại dịch Covid-19 tại các nước này đến hết tháng 4, trong đó có việc đóng cửa các nhà hàng, cửa hàng và bảo tàng.
Làn sóng Covid-19 mới nổi lên ở châu Âu trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang cố gắng thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng. Đến nay, chiến dịch tiêm phòng Covid-19 của EU diễn ra chậm chạp so với ở Mỹ và Anh. Vấn đề nguồn cung và hậu cần là những nguyên nhân chính gây trở ngại, bên cạnh việc một loạt nước trong khu vực đình chỉ tiêm vaccine AstraZeneca vì lo ngại vaccine này gây đông máu.
Tuần trước, nhiều nước châu Âu gồm Đức và Pháp đã nối lại việc tiêm vaccine này sau khi nhà chức trách EU tuyên bố vaccine này an toàn, nhưng việc cải thiện niềm tin của công chúng được cho là một công việc không dễ dàng. Trong cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn cũng cảnh báo rằng, châu Âu không có đủ vaccine ngừa Covid-19 để ngăn chặn làn sóng thứ ba này.
"Không nghi ngờ gì, đây là bước lùi đối với chiến dịch tiêm chủng của chúng tôi khi lượng vaccine được cung cấp bị thiếu hụt. Việc chậm triển khai tiêm phòng có thể cản trở việc mở cửa trở lại đất nước. Thay vì mở cửa, chúng tôi thậm chí có thể phải có những bước lùi".
Bất chấp những nỗ lực phân phối vaccine công bằng giữa 27 quốc gia thành viên EU, tỷ lệ tiêm chủng ở mỗi nước vẫn rất khác nhau. Malta đã tiêm mũi đầu tiên cho 95% những người hơn 80 tuổi. Các quốc gia như Ireland và Phần Lan đang đạt được mục tiêu của EU, nhưng ở Bulgaria, việc tiêm chủng cho đến nay mới chỉ đạt 5% đối tượng này. /.