Hàng loạt quy định mới nhất về bảo hiểm, thuế thu nhập có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2020
Tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp được đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với mức thấp hơn, quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử…là những quy định quan trọng có hiệu lực từ tháng 7/2020.
Nghị quyết 954 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, từ 1/7, mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh ở mức:
Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tương đương 132 triệu đồng/năm); Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng 2 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng 0,8 triệu đồng/tháng so với quy định hiện hành.
Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh được xác định tại khoản 1 Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi được xác định lại số thuế TNCN phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh quy định tại Nghị quyết này khi quyết toán thuế TNCN năm 2020.
Nghị định 58/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, từ 15/7/2020, người sử dụng lao động sẽ được đề xuất mức đóng giảm xuống còn 0,3% quỹ tiền lương (mức đóng hiện nay là 0,5%) làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu đáp ứng các điều kiện:
Doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN); Trong vòng 3 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ và BHXH;
Thực hiện báo cáo định kỳ TNLĐ và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 3 năm liền kề trước năm đề xuất; Tần suất TNLĐ của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất TNLĐ trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra TNLĐ tính từ 3 năm liền kề trước năm đề xuất.
Theo Nghị định 61/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp, từ 15/7 bổ sung thêm 3 loại giấy tờ có thể sử dụng trong hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, gồm:
- Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
- Xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp, hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã;
- Văn bản xác nhận của Sở KH&ĐT về việc người lao động không có giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật.
Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực thi hành từ 1/27/2020cho phép cá nhân được nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (kéo dài thêm 1 tháng so với Luật Quản lý thuế 2006).
Bên cạnh đó, Luật cũng mở rộng quyền của người nộp thuế như: Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn.
Ngoài ra, người nộp thuế không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
Luật cũng lần đầu tiên quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử đồng thời bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho đại lý thuế, siết chặt quản lý hoạt động chuyển giá.