Hàng loạt sạp hàng ở chợ Bến Thành đóng cửa: Cạnh tranh thị trường online, vắng khách du lịch
Một số tiểu thương tại chợ Bến Thành (quận 1, TP. HCM) cho biết, nguyên nhân khiến việc kinh doanh tại đây ế ẩm, hàng loạt sạp đóng cửa là do sự cạnh tranh với thị trường online, tình trạng vắng khách du lịch.
Tiểu thương mong được tân trang, đổi mới
Sau đợt giãn cách do dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều sạp hàng tại chợ Bến Thành (quận 1, TP. HCM) im lìm, đóng cửa. Theo nhiều tiểu thương tại đây, nguyên nhân là vì sau đợt giãn cách, lượng khách nước ngoài ngày một thưa dần đi. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh với thị trường mua sẵm online cũng là một yếu tố khiến mô hình chợ truyền thống có dấu hiệu suy giảm.
Khung cảnh im lìm của hàng loạt sạp hàng đóng cửa tại chợ Bến Thành.
Bài liên quan
Xe dịch vụ khu di tích Đền Hùng tự động tăng giá, nhiều người dân nhầm lẫn
Dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương 2022, thời tiết cả nước như thế nào?
Phát hiện một bãi chứa vật liệu xây dựng trái phép, qui mô lớn tại Hà Nội
Hàng vạn người dân đổ về Đền Hùng trước ngày chính lễ
Theo ghi nhận của phóng viên báo Nhà báo & Công luận, nhiều sạp hàng tại chợ Bến Thành có tình trạng đóng cửa hàng loạt, không ít sạp treo bảng cho thuê, sang nhượng vì buôn bán ế ẩm.
Chị Hương – một tiểu thương tại đây cho biết, do đợt giãn cách vừa rồi, doanh thu của sạp hàng giảm đến 50%. Điều này khiến gia đình chị phải xoay sở nguồn thu nhập, để đủ chi tiêu cho sinh hoạt hằng tháng. Thay vì đóng cửa sạp hàng vào lúc 18h như trước đợt giãn cách, giờ đây, chị và nhiều tiểu thương khác chỉ bán đến 16h30 là dọn hàng do ế ẩm.
“Ở đây chủ yếu là khách nước ngoài, nhưng từ đợt giãn cách đến giờ chỉ lác đác vài người. Lúc trước do có nhiều khách du lịch đi theo đoàn, nên việc buôn bán cũng ổn định hơn. Cả ngày hôm nay ngồi xem điện thoại, hết 200% pin rồi mà có bán được gì đâu”, chị Hương nói.
Nhiều tiểu thương bất lực, ngồi trò chuyện cho qua ngày vì buôn bán ế ẩm.
Tiểu thương này chia sẻ thêm, do thói quen mua sắm online từ đợt giãn cách đã làm giảm đi nhu cầu mua trực tiếp của người dân. Bên cạnh đó, vì giãn cách nên nhiều sạp hàng phải tạm nghỉ, dẫn đến việc khách hàng là mối quen cũng chủ động tìm mua ở những nơi khác. Các đơn hàng phần lớn từ các tỉnh miền Tây cũng trở nên “mất tích”, sức mua chỉ bằng 1/10 những ngày bình thường.
“Bây giờ doanh thu rất thấp, hôm nào may mắn thì lãi được 300 nghìn đồng, còn hôm nào ế thì coi như ngày đó… ở không. Chỉ hi vọng Nhà nước hỗ trợ thuế, phí, được phần nào hay phần đó để hỗ trợ chúng tôi. Riêng các sạp hàng tại đây cũng cần được tân trang lại, đổi mới sao cho bắt kịp với thời hiện đại thì mới mong buôn bán được”, một tiểu thương tại đây tâm sự.
Không ít sạp hàng dán bảng cho thuê, song, đã lâu vẫn chưa thấy người thuê.
Được biết, giá thuê tại đây trung bình từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng, tùy vào vị trí đẹp phía mặt tiền của chợ. Riêng các sạp được thuê lại có thể lên tới 10 triệu đồng/tháng.
Theo đại diện chợ Bến Thành, hiện số sạp hoạt động chỉ khoảng 500 sạp, chiếm 1/3 quy mô chợ. Tại đây, 80% khách mua hàng là khách du lịch, trong đó, người nước ngoài chiếm số đông. Ngoài ra, do dự án Metro số 1 vẫn chưa hoàn thành việc trả mặt bằng, tháo lô cốt nên cũng khiến khách ngại vào chợ.
Nhiều tín hiệu khả quan sắp tới?
Ghi nhận vào ngày 8/4, một số sạp hàng đã được mở cửa trở lại để buôn bán. Vài tiểu thương tại đây cho biết, dù có rất nhiều sạp hàng đóng cửa, song, trong số đó có vài sạp đóng với lí do tân trang, chờ ngày “đẹp” để mở cửa bán lại.
Bên cạnh đó, một số khách nước ngoài đến đây cũng tỏ ra hứng thú với khu chợ, dự định sẽ giới thiệu bạn bè đến tham quan, mua sắm.
Khách du lịch nước ngoài tỏ ra thích thú với mô hình chợ truyền thống.
Chị Kendall (du khách người Úc) cho biết: "Tôi đến du lịch Việt Nam đã được 10 ngày, tôi nghe nói khu chợ này có rất nhiều khu ẩm thực độc đáo, bán nhiều mặt hàng đẹp nên đã quyết định đến đây mua sắm ăn uống với nhóm bạn mình. Tôi rất yêu Việt Nam và con người nơi đây".
Theo đại diện chợ Bến Thành, hiện đơn vị đang kết nối với các đơn vị, cơ quan quản lý và hoạt động du lịch để tăng cường nguồn khách cho chợ. Ngoài ra, chợ cũng mong cơ quan chức năng sớm tháo dỡ các lô cốt. Các chính sách hỗ trợ hiện nay nếu có chủ yếu theo chủ trương chung của chính quyền và cần thời gian, còn chợ chỉ quản lý và thực hiện công tác thu hộ chi hộ là chính.
Ngoài ra, chị Hương – tiểu thương tại đây chia sẻ, sắp tới có thể chị sẽ tân trang lại cửa hàng của mình để thu hút nhiều khách du lịch ghé mua hơn. Bên cạnh đó, chị cũng sẽ tìm hiểu về thị trường online để phát triển công việc kinh doanh, nâng mức thu nhập hằng tháng của cửa hàng.