Hàng loạt siêu thị châu Âu tẩy chay thịt bò Brazil
Hàng loạt chuỗi siêu thị lớn của châu Âu đã quyết định ngừng bán một số hoặc tất cả các sản phẩm thịt bò từ Brazil do nguồn gốc của chúng có liên quan đến việc phá hoạt rừng nhiệt đới Amazon.
Theo tổ chức vì môi trường của Mỹ mang tên Mighty Earth, chuỗi siêu thị lớn nhất ở Hà Lan Albert Heijn cam kết sẽ ngừng hoàn toàn việc lấy nguồn cung thịt bò từ Brazil. Người phát ngôn của Albert Heijn nói rằng công ty hiện chỉ bán một số ít thịt bò hầm đóng hộp và thịt bò khô có xuất xứ từ Brazil mỗi tuần. Hãng cũng đã quyết định loại bỏ dần thịt bò Brazil và đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế từ các nước khác.
Chuỗi siêu thị Auchan của Pháp cũng sẽ loại bỏ các sản phẩm thịt bò khô có liên kết với JBS khỏi các kệ hàng của mình. Các siêu thị Carrefour (Pháp) và Delhaize (Bỉ) sẽ ngừng bán thịt bò khô nhãn hiệu Jack Link - một công ty liên doanh sản xuất với JBS. Sainsbury's (Anh) cũng sẽ ngừng cung cấp thịt bò hộp xuất xứ từ Brazil tại các cửa hàng của mình, đồng thời cho biết 90% thịt bò của họ có nguồn gốc từ nước Anh và Ireland.
Động thái tẩy chay thịt bò từ Brazil diễn ra sau khi cuộc điều tra do tổ chức Mighty Earth phối hợp với tổ chức phi lợi nhuận Reporter Brazil thực hiện đã chỉ ra mối liên hệ giữa các nhà máy chế biến thịt ở Sao Paulo thuộc các hãng như JBS, Marfrig và Minerva với vấn nạn phá rừng. Đặc biệt, JBS bị cáo buộc gián tiếp lấy nguồn thịt bò từ các khu vực bị chặt phá rừng trái phép như một phần của hoạt động "tẩy rửa nguồn gốc gia súc" (cattle laundering). Điều này xảy ra khi gia súc chăn nuôi trên một khu đất phá rừng trái phép được bán cho một trang trại hợp pháp trước khi bán cho một lò giết mổ nhằm che giấu nguồn gốc của chúng.
Phía JBS khẳng định không khoan nhượng đối với hành vi phá rừng bất hợp pháp và đã chặn hơn 14.000 nhà cung cấp vì không tuân thủ các chính sách của mình. Công ty nói rằng việc giám sát các nhà cung cấp gián tiếp - những người bán hàng cho bên cung cấp cuối cùng cho các lò mổ - là thách thức đối với toàn bộ ngành, nhưng JBS sẽ thiết lập một hệ thống có khả năng làm như vậy vào năm 2025.
Được mệnh danh là "lá phổi của hành tinh" khi hấp thụ tới 1/4 lượng khí CO2 mà cây xanh trên toàn cầu "xử lý", rừng Amazon có tổng diện tích khoảng 6,1 triệu km2, trong đó khoảng 60% nằm trên lãnh thổ Brazil, và có thảm thực vật đa dạng nhất thế giới với khoảng 15.000 loài. Bên cạnh nạn chặt phá cây lấy gỗ, khu rừng nhiệt đới này còn bị đe dọa bởi nạn khai mỏ bất hợp pháp, việc chăn nuôi gia súc thả rong, bị diện tích trồng đậu tương xâm lấn, khô hạn và cháy rừng.