Hàng loạt trường bị phụ huynh tố 'lạm thu': Vì sao năm nào cũng tái diễn?
Dù năm học 2023 - 2024 mới bắt đầu chưa đầy 1 tháng nhưng vấn đề thu chi ở các trường, các lớp tại một số địa phương khiến phụ huynh không khỏi bất bình.
Một lớp học thu hơn 310 triệu, chi ngay hơn 220 triệu trong tháng đầu để sửa lớp
Vụ việc gây xôn xao khiến phụ huynh bức xúc và sửng sốt mới đây xảy ra tại lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà, (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Theo bảng thu chi quỹ phụ huynh lớp 1 này, từ đầu năm học đến nay, quỹ phụ huynh lớp thu tổng cộng lên đến 313,3 triệu đồng và phần chi là hơn 260,328 triệu đồng với 17 hạng mục.
Trong đó, khoản chi lớn nhất là ứng trước cho nhà thầu sửa chữa phòng học số tiền 150 triệu đồng bao gồm: chi thanh toán tiền sửa chữa phòng học (50 triệu); chi tiền sơn bàn ghế (3,5 triệu) + lót gạch bên hông lớp học (2 triệu); chi trả tiền còn lại chi phí xây dựng lớp cho bên thầu xây dựng 20 triệu…
Ngoài ra, còn có các khoản chi: cho cô mua đồ dùng cho học sinh + đồ để vệ sinh lớp học; chi tiền mua vải thun làm rèm treo thay đồ cho các con; hòa mạng internet và đóng cước tháng 6 tháng - 1 năm; quà cho học sinh, đồ trang trí lớp, chi phí văn nghệ…
Trả lời báo chí, cô Bùi Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà cho hay nhà trường đã kiểm tra, xác minh, khẳng định các khoản phí sửa chữa lớp học đầu năm của lớp 1/2 là khoản thu theo sự thỏa thuận, tự nguyện của phụ huynh. Nhà trường đã làm việc với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh học sinh cho dừng lại việc thu chi của lớp 1/2. "Còn riêng với khoản chi cho bảo mẫu, nhà trường đã yêu cầu ban đại diện cha mẹ học sinh dừng chi và bảo mẫu đã hoàn trả lại tiền đã nhận cho các phụ huynh. Sau sự việc này nhà trường sẽ họp rút kinh nghiệm, chấn chỉnh lại tình hình thu chi của lớp 1/2 cũng như các lớp trong trường".
Trước đó, mạng xã hội cũng xôn xao với hình ảnh bảng thống kê 16 khoản thu đầu năm học được cho là của Trường THCS Nguyễn Trãi, TP. Chí Linh, Hải Dương. Theo đó, 16 hạng mục được liệt kê gồm: Học phí, bảo hiểm y tế, tiền gửi xe đạp, nước uống, quỹ đội, tiền ghế, kỹ năng sống, vệ sinh trường, photo đề kiểm tra, mua tivi, quỹ hội phụ huynh, hỗ trợ xe đưa học sinh giỏi đi thi, tiền loa đài, tiền mua bổ sung bàn ghế, hỗ trợ cơ sở vật chất, quỹ lớp. Tổng mức thu hơn 3,7 triệu đồng/học sinh.
Trong số 16 đầu mục, có những khoản không nằm trong danh mục được thu theo quy định của Bộ GD&ĐT và Nghị quyết số 8 của HĐND Hải Dương. Một số khoản thu nằm ngoài quy định như: ghế và cờ 25.000 đồng/học sinh; kỹ năng sống 432.000 đồng; mua tivi 300.000 đồng, quỹ hội phụ huynh 250.000 đồng; hỗ trợ đưa học sinh giỏi đi thi 50.000 đồng; mua loa đài 15.000 đồng; hỗ trợ cơ sở vật chất 168.000 đồng... Điều đáng nói, theo danh sách khoản thu này, tất cả các khoản sẽ được "bổ đầu" từng học sinh phải đóng chứ không còn trên tinh thần tự. Tổng số tiền thu được của phụ huynh là con số không nhỏ và gây bức xúc cho mọi người.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lương Quang Phương, Trưởng phòng GD&ĐT TP. Chí Linh (Hải Dương) xác nhận có sự việc trên và cho biết đây là danh sách các khoản thu được phổ biến tới các khối học trong toàn trường. Ngay khi nhận được phản ánh, Phòng GD&ĐT đã yêu cầu Trường THCS Nguyễn Trãi báo cáo, giải trình sự việc. Với những khoản thu nhà trường thực hiện chưa đúng quy trình, quy định hiện hành, yêu cầu trả lại cho phụ huynh học sinh.
Không chỉ vấn đề thu chi xảy ra ở hai địa phương trên gây bức xúc dư luận mà thực tế thời gian qua, tình trạng "lạm thu" đã diễn ra tại nhiều địa phương, thường dưới danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, sau sự việc có nơi xử lý rốt ráo nhưng có nơi cũng chỉ làm chiếu lệ.
Dư luận thắc mắc vấn nạn "lạm thu" trong trường học này năm nào cũng xảy ra mỗi dịp đầu năm học khiến phụ huynh bức xúc thì thanh tra Bộ GD&ĐT ở đâu? Việc Bộ GD&ĐT chỉ ra văn bản mà thiếu kiểm tra, giám sát việc xử lý nghiêm các vi phạm ở địa phương, hay việc hiệu trưởng các cơ sở giáo dục để xảy ra thu - chi sai quy định chủ yếu bị nhắc nhở rút kinh nghiệm… liệu đủ sức răn đe, cảnh báo?
Mới đây, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương, các trường phổ thông tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu đầu năm học dưới mọi hình thức. Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Để tránh lạm thu đầu năm học, đối với khối giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn. Điều quan trọng là các địa phương, các trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức. Cùng với đó, cố gắng xây dựng lộ trình tiến tới mọi khoản thu ở trường đều không dùng tiền mặt, qua đó góp phần khắc phục chuyện lạm thu.
Đối với khối các trường đại học, cao đẳng, Bộ GD&ĐT không quản lý trực tiếp tài chính của từng trường, chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí. Tuy nhiên, các trường đại học khi có những khoản thu khác theo dịch vụ phải công bố công khai, minh bạch với người học, phải đúng quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý trực tiếp các nhà trường có chức năng thanh tra, kiểm tra việc này. Riêng với các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường vi phạm.
Bộ GD&ĐT quy định thế nào về các khoản tiền mà nhà trường được và không được phép thu?
Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT quy định rõ đối với việc vận động, xây dựng quỹ hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh phải thực hiện như sau: Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện học sinh trường.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ: Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh
Các khoản tiền nhà trường không được thu của học sinh:
Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học những khoản tiền sau: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Các khoản tiền nhà trường được phép thu:
Học phí, Bảo hiểm y tế, Quần áo, đồng phục học sinh. Ngoài ra, các khoản thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh ở từng địa phương hoặc thu theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân từng tỉnh/thành như: Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú; học 2 buổi/ngày; học phẩm cho trẻ mầm non; nước uống học sinh; dạy thêm, học thêm trong nhà trường, … sẽ được áp dụng theo tùy từng địa phương, đơn vị.