Hàng loạt trường hợp bị cưỡng chế thu hồi nhà chung cư theo quy định mới nhất

Từ đầu tháng 8, những trường hợp nào bị cưỡng chế thu hồi nhà chung cư? Gia đình bị cưỡng chế thu hồi nhà chung cư có được trả phí di dời?

Theo Điều 1 và Khoản 1 Điều 74 Luật Nhà 2023, trường hợp đã quá thời hạn di dời theo quyết định di dời mà chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thuộc một trong các trường hợp sau nếu không di dời thì sẽ bị UBND cưỡng chế thu hồi nhà chung cư:

Những người đang ở những căn chung cư hiện đang không còn đảm bảo an toàn để tiếp tục sử dụng do bị cháy, nổ, hư hỏng nhà do thiên tai, địch họa…;

Những người đang ở những căn chung cư buộc phải phá dỡ do: Kết cấu chịu lực chính của toàn chung cư xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể, có nguy cơ sập đổ, không thể tiếp tục đáp ứng điều kiện sử dụng, cần phải thực hiện di dời khẩn cấp chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư ra khỏi tòa nhà;

Nhà chung cư bị hư hỏng nặng: Kết cấu chịu lực chính của toàn chung cư xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ; Hệ thống phòng cháy - chữa cháy, cấp nước – thoát nước – xử lý nước thải, hệ thống điện, giao thông nội bộ không đạt chuẩn… gây mất an toàn cho người sử dụng, cần phải được cải tạo và chỉnh trang lại;

Nhà chung cư bị hư hỏng một trong các kết cấu chính của công trình như móng, cột, tường, dầm, xà chưa thuộc trường hợp buộc phải phá dỡ nhưng thuộc khu vực phải cải tạo và xây dựng đồng bộ lại nhà chung cư thuộc kế hoạch quy hoạch của UBND cấp tỉnh.

Nhà chung cư bị thu hồi để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng.

Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp buộc phải thu hồi nhà chung cư và đã được UBND tỉnh nhiều lần gửi quyết định di dời nhưng chủ nhà vẫn không thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế thu hồi và buộc phải di dời.

Chỉ có UBND cấp tỉnh có thẩm quyền đưa ra quyết định cưỡng chế di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.

Cũng theo Luật Nhà ở 2023, nếu bị cưỡng chế thu hồi vì một trong những lý do trên chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư được trả chi phí di dời như sau:

Với những chủ sở hữu ở nhà chung cư buộc phải phá dỡ, không còn đảm bảo an toàn để tiếp tục sử dụng do bị cháy, nổ, hư hỏng nhà do thiên tai, địch họa: Kinh phí di dời đến chỗ ở tạm thời sẽ do ngân sách địa phương trả.

Còn với các trường hợp còn lại: Kinh phí do chủ đầu tư dự án phải chi trả cho người dân, trường hợp Nhà nước thực hiện di dời giúp thì cần có trách nhiệm hoàn trả lại kinh phí di dời cho Nhà nước.

Khi bị thu hồi nhà chung cư, việc bồi thường được thực hiện như sau:

Trước tiên, người dân sẽ được UBND tỉnh bố trí chỗ ở tạm thời thuộc quỹ nhà ở tái định cư đã có sẵn, quỹ nhà ở thuộc tài sản công trên địa bàn hoặc nhà ở thương mại… khi nhà bị hư hỏng do thiên tai, địch họa.

Trường hợp chung cư bị cháy, nổ hoặc kết cấu nhà có nguy cơ sụp đổ, gây nguy hiểm tới tính mạng người sử dụng: UBND hỗ trợ chỗ ở tạm thời cho cư dân cho tới khi chọn được chủ đầu tư thực hiện xây dựng, cải tạo lại chung cư đó.

Với các trường hợp còn lại thì việc bố trí chỗ ở tạm thời cho cư dân bị thu hồi nhà chung cư sẽ do chủ đầu tư thực hiện.

Việc bố trí chỗ ở tạm thời chỉ áp dụng khi chủ sở hữu chung cư có nhu cầu được tái định cư bằng nhà ở. Trường hợp không có nhu cầu được bồi thường bằng nhà tái định cư thì sẽ được nhận bồi thường bằng khoản tiền theo giá bán căn hộ tái định cư được thống nhất trong phương án bồi thường, tái định cư giữa các bên…

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hang-loat-truong-hop-bi-cuong-che-thu-hoi-nha-chung-cu-theo-quy-dinh-moi-nhat-post585203.antd