Hàng loạt vụ án đầu độc bằng xyanua, hóa chất này nguy hiểm như thế nào?

Những năm qua, hàng loạt vụ án nghiêm trọng sử dụng xyanua để đầu độc nạn nhân đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tính chất nguy hiểm của chất cực độc này.

Nhiều vụ giết người bằng xyanua

Gần đây, dư luận đang xôn xao vụ việc một nam thanh niên 18 tuổi (ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) bất ngờ hôn mê, tổn thương đa cơ quan. Tại bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, bệnh nhân được phát hiện có chất xyanua trong cơ thể, nghi bị đầu độc.

Điều đáng nói hơn, chỉ trong 8 tháng, trong gia đình của bệnh nhân này có tới 5 người chết bất thường, với các biểu hiện nôn ói, nhức đầu, chóng mặt, sau đó rối loạn nhịp tim, ngưng tim… Sự việc đang được cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ.

Nam thanh niên 18 tuổi tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bị ngộ độc nặng xyanua. (Ảnh: Dân Trí).

Nam thanh niên 18 tuổi tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bị ngộ độc nặng xyanua. (Ảnh: Dân Trí).

Trước đây, đã có một số vụ án nghiêm trọng xảy ra khi hung thủ sử dụng xyanua để đầu độc nạn nhân.

Điển hình như vụ án xảy ra tại tỉnh Thái Bình năm 2019. Cụ thể, ngày 29/1/2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án "giết người" xảy ra tại Thái Bình năm 2019. Theo kết luận điều tra, bị cáo Lại Thị Kiều Trang (25 tuổi, trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là em họ của chị Đ.T.H.Y. (31 tuổi, trú tại xã Vũ An, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Chị Y. là cán bộ điều dưỡng thuộc Khoa Nội 3 Bệnh viện Phổi tỉnh Thái Bình và là vợ của anh P.V.Q. (31 tuổi).

Giữa anh Q. và Trang nảy sinh quan hệ yêu đương một thời gian, sau đó anh Q. thấy có lỗi với vợ con nên khoảng tháng 10/2019 anh Q. chủ động nói chuyện để chấm dứt mối quan hệ với Trang.

Thấy anh Q. có nhiều hành động, lời nói yêu thương chăm sóc vợ con nên Trang ghen tuông, nảy sinh ý định dùng chất độc Xyanua đầu độc chị Y. nhằm giúp Trang và anh Q. có thể được tự do quan hệ.

Để thực hiện hành vi, đầu tháng 11/2019 Trang lên mạng tìm mua chất độc Natri xyanua. Biết chị Y. thích uống trà sữa, ngày 2/12/2019 Trang điện thoại đặt mua 6 cốc trà sữa tại một tiệm trên đường Lê Quý Đôn, TP Thái Bình và mua xilanh để mang về nhà nhằm bơm chất độc xyanua.

Khoảng 14h cùng ngày, Trang đi xe máy mang theo 6 cốc trà sữa đến Bệnh viện Phổi tỉnh Thái Bình và mang trà sữa lên Khoa Nội 3 (nơi chị Y. làm việc). Tại đây, vì chị Y. đã về nhà nên Trang gửi trà sữa cho chị Phan Thị L. (40 tuổi, là cán bộ điều dưỡng cùng khoa với chị Y.) nhờ đưa cho chị Y.

Khoảng 10h ngày 3/12, chị Nguyễn Thị H. (30 tuổi, trú tại phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình) dùng ống hút chọc vào cốc trà sữa, uống được khoảng 2 ngụm thì chạy vào nhà vệ sinh nhổ ra, sau đó ngã nằm co quắp trên sàn nhà vệ sinh và tử vong dù đã được đưa đi cấp cứu ngay sau đó.

Hay vụ bỏ chất độc xyanua vào rượu làm Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Thanh Hóa tử vong xảy ra vào năm 2020. Do vợ chồng mâu thuẫn trong kinh doanh và nghi ngờ vợ có quan hệ tình cảm với người khác nên ông Trần Xuân Minh đã bỏ xyanua vào rượu mang đến cơ quan nơi vợ làm việc.

Trưa 20/4/2020, tại đây có 7 người ăn cơm, trong đó 3 người uống rượu thì bị ngộ độc, 1 người đã tử vong sau đó. Nghe tin, ông Minh cũng uống rượu độc tự tử tại nhà riêng.

Xyanua kịch độc như thế nào?

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, xyanua là chất độc cực mạnh, có thể gây tử vong trong thời gian ngắn chỉ với liều rất nhỏ khi tiếp xúc qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc da. Đặc biệt về mặt hóa học, xyanua có thể là một loại khí không màu, có thể kể đến như Hydro Cyanide (HCN) hoặc Xyanua Clorua (CNCI), hoặc một dạng tinh thể như Kali Xyanua (KCN) hoặc Natri Xyanua (NaCN).

Chất kịch độc xyanua (Ảnh: Internet).

Chất kịch độc xyanua (Ảnh: Internet).

Khí xyanua có mùi hăng đặc trưng như hạnh nhân nhưng không phải lúc nào cũng tỏa ra mùi, dễ dàng xâm nhập vào cơ thể gây ức chế hệ thống hô hấp tế bào, dẫn đến tình trạng thiếu oxy trầm trọng và tử vong.

Chất độc này được giải phóng từ các chất tự nhiên trong một số thực phẩm và thực vật như măng, sắn, đậu lima và hạnh nhân. Xyanua còn có trong hạt của các loại trái cây phổ biến như quả mơ, táo và đào. Ngoài ra, xyanua còn có trong các sản phẩm như thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, dung dịch mạ kim hoặc trong môi trường công nghiệp. Điều nguy hiểm là chúng không quá khó để điều chế và tìm kiếm dựa trên các nguồn nguyên liệu sẵn có.

Thông thường sau khi bị ngộ độc xyanua, nạn nhân sẽ trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là kích động, khi nạn nhân có dấu hiệu lo lắng, kích động, thở nhanh và lú lẫn. Sau đó, người bị ngộ độc bắt đầu co giật, khó thở, tụt huyết áp và bị giảm thông khí. Cuối cùng là trạng thái giảm trương lực cơ và mất phản xạ, hạ oxy trong máu, trụy tim mạch và tử vong.

Ngoài tử vong, có những trường hợp bị biến chứng nặng, gây tổn thương não vĩnh viễn, không hồi phục, sống thực vật, liệt hoàn toàn.

Khó quản lý, xyanua vẫn được mua bán tràn lan

Những năm qua, hàng loạt các vụ án và vụ ngộ độc liên quan đến xyanua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Dù vậy, việc mua bán chất này vẫn diễn ra lén lút, thậm chí khi gõ cụm từ mua bán xyanua trên mạng thì vẫn được công khai quảng cáo địa chỉ có bán mặt hàng này.

TS. Nguyễn Thị Tố Như - Giảng viên Khoa Luật, Học viện Ngân hàng cho biết, xyanua là hóa chất dùng trong sản xuất công nghiệp, không thuộc danh mục hóa chất bị cấm bán theo Nghị định 113/2017/NĐ-CP. Nhưng cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh hóa chất độc hại này cần phải tuân thủ các điều kiện của Luật Hóa chất 2007 và Nghị định 113.

Nghĩa là muốn kinh doanh hóa chất này, cần phải có giấy phép đặc biệt, còn muốn mua phải có giấy giới thiệu, công văn, nói rõ số lượng, mục đích của việc mua bán. Theo đó, việc mua bán hóa chất độc phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của cả hai bên mua và bán nhằm kiểm soát lưu thông hóa chất độc hại trên thị trường.

Theo quy định, phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất độc bao gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng, mục đích sử dụng, tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân của người đại diện bên mua, bên bán và ngày giao hàng. Phiếu này phải được lưu giữ tại bên bán và bên mua ít nhất 5 năm và xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

TS. Nguyễn Thị Tố Như cũng cho biết, việc bán xyanua trái phép là hành vi vi phạm pháp luật và có thể dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu không có giấy phép kinh doanh, người bán có thể bị phạt tù từ 3 đến 10 năm theo Điều 311 Bộ luật Hình sự 2015. Ngay cả khi có giấy phép, việc bán xyanua sai quy định cũng có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Theo TS. Nguyễn Thị Tố Như hiện nay, việc kiểm soát buôn bán hóa chất đang gặp nhiều bất cập do sự chồng chéo trong quản lý. Mỗi sở ngành phụ trách một nhóm hóa chất riêng biệt, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất và hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, Luật Hóa chất quy định điều kiện đối với tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất nguy hiểm để sản xuất hàng hóa, nhưng lại thiếu quy định cụ thể đối với tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cho mục đích tiêu dùng. Điều này dẫn đến tình trạng người bán không quan tâm đến mục đích sử dụng của người mua, dẫn đến giao dịch dễ dàng, thiếu kiểm soát và tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để tăng cường kiểm tra, rà soát điều kiện kinh doanh hóa chất, áp dụng chế tài xử phạt nghiêm minh và tổ chức kiểm tra đột xuất, định kỳ các cơ sở mua bán. Việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán xyanua, đặc biệt là trên mạng để ngăn chặn tình trạng mua bán tràn lan, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Vũ Hạ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hang-loat-vu-an-dau-doc-bang-xyanua-hoa-chat-nay-nguy-hiem-nhu-the-nao-330865.html