Hàng loạt vụ tai nạn thương tâm trong trường học - những nỗi đau còn mãi

Liên tiếp các vụ tai nạn tại trường học xảy ra trong thời gian gần đây khiến nhiều em học sinh chết và bị thương đã khiến dư luận bàng hoàng. Nhiều người dân đau xót đặt câu hỏi: 'Vì sao sau những vụ việc này người chịu thiệt thòi vẫn chỉ là trẻ nhỏ và gia đình các em?'

Những cái chết không được báo trước

Chiều 7/9 điểm trường bản Phung, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, Lào Cai đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm. Một nhóm học sinh đến trường sớm khi đang chơi đùa ở cổng trường thì bất ngờ một cánh cổng sắt và một bên trụ cổng trường đổ xuống đè lên người làm 3 học sinh tử vong và 3 học sinh khác bị thương. Ba học sinh tử vong đều là người dân tộc Mông.

Sau tai nạn, UBND tỉnh Lào Cai giao sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng tổng kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường học trên địa bàn, tập trung vào các hạng mục cổng trường, hàng rào không đảm bảo hoặc có nguy cơ mất an toàn.

Hiện trường vụ đổ cổng trường tại điểm trường bản Phung, huyện Văn Bàn, Lào Cai

Hiện trường vụ đổ cổng trường tại điểm trường bản Phung, huyện Văn Bàn, Lào Cai

Vài ngày sau, cũng tại Lào Cai lại xảy ra một vụ tai nạn khiến 1 học sinh bị thương. Sáng 10/9, em N.T.M.T (lớp 2B, Trường Tiểu học Kim Đồng, TP Lào Cai) khi đang ngồi trong lớp đã bị chiếc quạt trần rơi trúng đầu khiến em bị thương ở phần trán. Nguyên nhân là do ốc chốt ngang giữa cần quạt và bầu quạt bị gãy khiến quạt bị rơi.

Còn tại huyện Nam Đàn, Nghệ An, sáng 11/9, khi 1 nhóm học sinh Trường tiểu học Nam Lộc đang chơi trước cổng trường thì bức tường bị đổ sập, đè trúng làm một học sinh lớp 5 tử vong .

Trrước đó, tại một số trường học ở Hà Nội cũng xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng. Đầu tháng 8/2019, cháu L.H. L (học sinh lớp 1 trường Gateway quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã mất mạng do bị bỏ quên trên xe đưa đón.

Trước đó, một học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông) bất ngờ bị rơi từ tầng 3 xuống đất, bị chấn thương vùng xương chậu và chân. Nguyên nhân là do học sinh này trèo qua lan can để lấy quả cầu bị rơi và không may trượt chân xuống khỏi mái che, rơi xuống.

Tương tự, một học sinh lớp 7 của Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy) bị bỏng cồn ngay trong trường học. Sự việc xảy ra ngay sau giờ ăn bán trú, khi không có giáo viên ở lớp. Hậu quả là học sinh này phải nhập viện điều trị với nhiều vết bỏng, trải qua 3 lần phẫu thuật với tổn thất sức khỏe lên tới 24%.

Ai chịu trách nhiệm?

Những vụ việc trên đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bất an. Điều đáng nói là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn này không chỉ là do sự hiếu động, tò mò của các em học sinh mà còn vì sự chủ quan, tắc trách, cẩu thả của người lớn.

Về trách nhiệm của các cá nhân liên quan khi xảy ra tai nạn, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, người chịu trách nhiệm đầu tiên là hiệu trưởng nhà trường, sau đó mới xem xét, kiểm điểm từng bộ phận liên quan. Bởi việc rà soát cơ sở vật chất trong đó có hệ thống điện, cây xanh, tường, trần lớp học và các thiết bị… là công việc thường xuyên của người đứng đầu nhà trường.

“Khi tai nạn xảy ra sẽ phát sinh trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Về trách nhiệm dân sự, nhà trường phải thực hiện bồi thường những thiệt hại đã xảy ra cho các học sinh gặp tai nạn” – Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Theo Điều 590 BLDS 2015, nếu sức khỏe học sinh bị xâm phạm, nhà trường phải bồi thường các chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất của người bị hại; Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị hại trong thời gian điều trị cùng các thiệt hại khác theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp tai nạn dẫn đến chết người thì theo Điều 591 BLDS 2015, bên cạnh việc phải bồi thường những khoản tiền quy định tại Điều 590, nhà trường phải có trách nhiệm chi phí hợp lý cho việc mai táng, cho người mà người bị hại đang nuôi dưỡng và những thiệt hại khác do pháp luật quy định.

Đặc biệt, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng được quy định tại BLHS 2015.

Để hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra tiếp theo, các nhà trường cần tiến hành kiểm tra, rà soát các nguy cơ thường xuyên, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, đồng thời tổ chức hướng dẫn, nhắc nhở, giáo dục học sinh vui chơi an toàn, tránh xa những chỗ nguy hiểm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xem xét, bổ sung chế tài xử lý nghiêm đối tượng sai phạm nhằm đảm bảo tính răn đe - Luật sư Nguyễn Thị Thu kiến nghị.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hang-loat-vu-tai-nan-thuong-tam-trong-truong-hoc-nhung-noi-dau-con-mai-post444104.antd