Hàng năm, mỗi người Việt thải 54 kg rác thải nhựa ra môi trường
Lượng rác thải nhựa người Việt thải ra môi trường đã tăng lên rất nhanh. Đây là lý do nhiều dự án thí điểm đang được Việt Nam cùng các tổ chức quốc tế phối hợp triển khai nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật quốc tế Pháp triển khai thực hiện Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”. Đây là dự án được triển khai bằng nguồn hỗ trợ của Liên minh châu Âu và Chính phủ Đức với mục tiêu chính nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Tại hội thảo tổng kết, các đối tác của dự án đã trình bày những các kết quả liên quan đến việc xây dựng chính sách và kết quả thực hiện bốn dự án thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Phú Yên.
Hội thảo tổng kết Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”. Ảnh: Trọng Đạt
Các dự án thí điểm này tập trung nghiên cứu và triển khai các giải pháp ngăn ngừa và giảm thiểu rác thải nhựa, cải thiện công tác thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa trên đất liền và tại các cảng.
Điều này đã góp phần giải quyết thách thức liên quan đến rác thải nhựa với các cách tiếp cận mới, cải thiện hiện trạng và đưa ra các khuyến nghị chính sách cũng như tài liệu hướng dẫn cụ thể ở ba tỉnh, thành phố khác nhau tại Việt Nam.
Ngoài việc thí điểm, Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” đã góp phần trong việc xây dựng các chính sách nhằm giảm thiểu và nâng cao chất lượng quản lý rác thải nhựa, sản xuất, tiêu dùng bền vững nhựa và các phương pháp xử lý rác thải biển. Trong đó, có dự án góp phần hỗ trợ xây dựng khung pháp lý về Trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (EPR) và xây dựng các tài liệu thông tin, hướng dẫn về EPR.
Theo ông Hoàng Xuân Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên & Môi trường), biển và đại dương hiện đang đối mặt với những nguy cơ chưa từng có do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các hoạt động khai thác tài nguyên thiếu bền vững, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái biển.
Ông Hoàng Xuân Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên & Môi trường). Ảnh: Trọng Đạt
Theo cảnh báo của Liên hợp quốc, ô nhiễm rác thải nhựa đã chạm tới nơi sâu nhất trong lòng đại dương. Nhân loại cần khẩn trương chung tay hành động nhằm hồi sinh đại dương và phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường biển, mang lại sức sống mới cho các đại dương.
Chung tay với nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa là một trong những ưu tiên của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Chính phủ đã phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Đây là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành phối hợp với các đối tác quốc tế để triển khai thực hiện thời gian tới.
Chia sẻ về vấn đề rác thải nhựa và nỗ lực của Việt Nam, ông Lưu Anh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết, đây là vấn đề được Chính phủ hết sức quan tâm.
Mỗi năm có 11 triệu tấn rác thải nhựa thất thoát ra các đại dương trên thế giới. Các sản phẩm nhựa 75% sẽ trở thành rác thải. Hiện ước tính có trên 150 triệu tấn nhựa đang ở trong các đại dương. Điều này sẽ tác động đáng kể đến các loài động vật hoang dã và đe dọa toàn bộ chuỗi thức ăn.
Ô nhiễm rác thải nhựa còn gây nên tác động kinh tế tiêu cực đến các ngành trong khu vực và ước tính chạm mức 1,3 tỷ USD/năm. Trong suốt vòng đời của nhựa, tác động tiêu cực phát sinh chi phí lớn hơn nhiều so với giá trị thị trường của nhựa. Đó là chi phí nhà kính, chi phí sức khỏe, quản lý chất thải...
Rác thải nhựa hiện là một vấn đề nan giải không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Việt Nam đang là một trong những nước phát sinh ra rác thải nhựa đại dương. Các chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người của Việt Nam đã tăng lên rất nhanh, từ 3,8kg/người/năm năm 1990 đã lên 54 kg/người/năm trong năm 2018.
Nguồn phát rác thải nhựa tại Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm bao bì (chiếm 57%) và đồ gia dụng (chiếm 29%). Rác thải nhựa chủ yếu phát sinh từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người trên đất liền (80%), chỉ 20% xuất phát từ các hoạt động còn lại như nghề cá, nuôi trồng thủy sản.
Việt Nam đang từng bước tăng cường các cam kết quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa đại dương. Điều này được thể hiện bằng việc luật hóa nhiều nội dung liên quan đến rác thải nhựa. Nước ta đặt mục tiêu đến năm 2030 phải tiên phong trong khu vực về việc giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.
Bà Astrid Schomaker - Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Xanh và Chủ nghĩa Đa phương (Tổng vụ Môi trường thuộc Ủy ban châu Âu) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện Dự án "Suy nghĩ lại về Nhựa". Ảnh: Trọng Đạt
“Rác thải nhựa liên quan đến tất cả chúng ta. Chúng ta cần hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa - một nền kinh tế trong đó tài nguyên được sử dụng và quản lý hiệu quả và bền vững hơn”, bà Astrid Schomaker - Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Xanh và Chủ nghĩa Đa phương (Tổng vụ Môi trường thuộc Ủy ban châu Âu) nhận định.
“Tôi ấn tượng với kết quả mà Dự án "Suy nghĩ lại về Nhựa" đã đạt được. Thông qua Dự án, chúng tôi đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ, chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu và các nước khác nhằm giúp Việt Nam ngăn ngừa rác thải nhựa trên biển”.
Theo bà Astrid Schomaker, bốn dự án thí điểm đã bổ sung cho những nỗ lực chung nhằm hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn bằng các hành động và kinh nghiệm cụ thể từ cấp địa phương.
“Chúng tôi hy vọng các hoạt động này có thể gợi mở cho các sáng kiến và chính sách nhằm giảm phát sinh chất thải, nâng cao chất lượng tái chế và hỗ trợ quy trình thiết kế, sản xuất, vận chuyển, phân phối, tiêu dùng, quản lý, xử lý đến tái chế chất thải tại Việt Nam”, đại diện Tổng vụ Môi trường thuộc Ủy ban châu Âu chia sẻ.