Hàng nghìn con lợn chết sau tiêm vắc xin, trách nhiệm Navetco đến đâu?

Thống kê sơ bộ từ Bộ NN&PTNT cho thấy đã có khoảng 1.392 con lợn phản ứng chết do tiêm vắc xin Dịch tả lợn châu Phi sai quy trình, sai đối tượng, Bộ NN&PTNT cho biết trách nhiệm của Navetco là đã cung cấp vắc xin cho các chi cục thú y địa phương, sau đó chi cục lại bán vắc xin cho đại lý và đại lý bán cho người dân tiêm không tuân thủ đúng chỉ đạo, nguyên tắc.

Chiều ngày 5/9, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Văn Long, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), khẳng định việc cấp phép lưu hành vắc xin chặt chẽ theo đúng quy định pháp luật Việt Nam. Trong quá trình đánh giá còn có chuyên gia độc lập trong nước và quốc tế. Nhà khoa học Hoa Kỳ cũng có văn bản đánh giá kết quả nghiên cứu rất chặt chẽ.

Vắc xin dịch tả lợn châu phi do Navetco sản xuất.

Vắc xin dịch tả lợn châu phi do Navetco sản xuất.

Trong 3 lô vắc xin Dịch tả lợn châu phi được Bộ NN&PTNT và Cục Thú y cho phép sử dụng đều được kiểm nghiệm, đáp ứng tiêu chí trên.

Sau đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cho phép sử dụng 600 nghìn liều vắc xin dưới sự giám sát của cơ quan thú y như tổ chức hộ chăn nuôi có đăng ký bản cam kết với cơ quan thú y, cơ quan thú y kiểm tra đặc điểm đàn lợn, tình hình dịch tễ; phải có sự giám sát của cơ quan thú y cũng như Navetco trong quá trình tiêm; sau tiêm phải theo dõi 28 ngày; cần lấy mẫu kiểm tra xem vắc xin có nguy cơ lây bệnh, tái bệnh, bảo hộ đàn vật nuôi không...

Cục trưởng Cục Thú y cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, 20 tỉnh thành đăng ký tiêm 4.490 con lợn. Trong đó, 27 con lợn có phản ứng và chết sau tiêm tương tự như các loại vắc xin khác.

Tuy nhiên, do Navetco và một số địa phương không thực hiện đúng chỉ đạo của Cục Thú y và Bộ NN&PTNT nên đã xảy ra một số hậu quả đáng tiếc khiến hàng nghìn con lợn bị chết.

Thống kê sơ bộ từ Cục Thú y cho hay, 3 địa phương là Bình Định, Phú Yên, Quãng Ngãi đã không làm theo hướng dẫn với 17.750 liều. Hậu quả, tại 3 địa phương trên có 1.392 con lợn bị phản ứng chết sau tiêm. "Đây là số báo cáo của người dân, nhưng thực tế con số chính xác tới đâu thì cần phải điều tra thêm vì có hộ bán chạy lợn nhưng vẫn khai báo là lợn chết do tiêm vắc xin", ông Long cho biết thêm.

Nguyên nhân được xác định là do Navetco cung ứng thuốc, sau đó chi cục thú y cung ứng cho đại lý, đại lý bán tràn lan cho người dân tiêm mà không tuân thủ chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Dẫn tới khi lợn chết không nắm được tình hình, không giám sát, không theo dõi được đàn lợn.

Ngay sau đó, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Navetco cũng như chi cục thú y địa phương rút kinh nghiệm trong tiêm vắc xin, đi kèm kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Về cơ bản, đến nay số lợn chết đã được xử lý, không còn phản ứng sau tiêm vắc xin. Đồng thời, Cục Thú y cũng yêu cầu các địa phương còn lại rút kinh nghiệm.

Về câu hỏi liên quan tới trách nhiệm của Navetco cũng như đơn vị thú y, ông Long cho biết đầu tiên là Navetco. Thực tế, doanh nghiệp này có quyền cung cấp cho các chi cục, nhưng đáng lẽ doanh nghiệp phải cùng chi cục giám sát xem bán cho ai, bán như thế nào, trong và sau quá trình tiêm… Sau đó là các chi cục: công ty cung ứng cho chi cục, đáng lẽ chi cục phải cung ứng cho người chăn nuôi, nhưng chi cục lại cung cấp cho đại lý bán tự do.

"Trong khi đó, hiện nay Bộ NN&PTNT chưa cho phép điều đó, chỉ khi tiêm thử nghiệm 600.000 liều xong, đánh giá, báo cáo mới quyết định lưu hành diện rộng. Chưa đến bước đó nhưng các chi cục đã đi trước một bước", ông Long cho biết.

Về xử lý vi phạm trên, ông Long cho biết Navetco bán để xảy ra sự việc này thì công ty đã có cam kết với Bộ là sẽ khắc phục hậu quả.

Còn về phía địa phương, Bộ đã có chỉ đạo xuống địa phương kiểm điểm tổ chức, cá nhân cung ứng trực tiếp cho đại lý, dẫn đến hậu quả. "Sau sự việc này, tất cả các khâu đều phải rút kinh nghiệm chứ không phải đổ lỗi cho ai, cái chính là sử dụng 600.000 liều thực tiễn đảm bảo an toàn, hiệu quả", ông Long nói.

Được biết, Việt Nam sản xuất thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi. Vắc xin có tên thương mại NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương (Navetco). Việc tổ chức giám sát việc sử dụng NAVET-ASFVAC theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC ở diện hẹp; Số lượng vắc xin dự kiến được phép sử dụng khoảng 600.000 liều; Địa điểm sử dụng tại các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và người chăn nuôi có nhu cầu đăng ký tự nguyện sử dụng vắc xin NAVET-ASFVAC.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tieu-dung/hang-nghin-con-lon-chet-sau-tiem-vac-xin-trach-nhiem-navetco-den-dau-1087716.html