Hàng nghìn công nhân bất ngờ mất việc và những nỗi lo thường trực
Gắn bó với công việc trong nhiều năm, đang yên đang lành bỗng hàng nghìn công nhân ở các công ty tại TPHCM, Bình Dương nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, khiến không ít người choáng váng.
Chúng tôi đến “xóm trọ PouYuen” (dãy nhà trọ toàn công nhân làm việc cho Công ty PouYuen) ở đường 59, P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TPHCM và tối ngày 23/6. Trong căn phòng trọ còn chưa tô xi-măng, dưới ánh đèn lờ mờ, bác Quý (70 tuổi) và đứa cháu dọn nồi cơm chỉ độc món cá kho ăn vội cho xong bữa.
Bác Quý lo lắng: “Quê chúng tôi ở Cần Thơ, nghèo khổ nên kéo nhau lên Sài Gòn làm công nhân đã hơn 10 năm. Giờ nếu thất nghiệp chỉ còn nước về quê, nhưng cũng không biết mần gì để sống vì xa quê lâu, đất đai cũng không có”.
Hơn 22h, anh Hồ Văn Quý (48 tuổi, công nhân Xưởng D3, Công ty PouYuen Việt Nam) mới từ nhà máy về đến nhà trọ. Dáng vẻ mệt mỏi, anh tâm sự, tuy chưa bị sa thải nhưng cũng “đứng ngồi không yên” vì nguy cơ đến phiên mình rất cao. Anh cho biết, gần 3.000 công nhân bị cắt giảm vừa rồi đều thuộc xưởng D3, nghe nói sắp tới xưởng này cũng giải thể, vì thế những người còn lại cũng phải nghỉ việc.
“Hiện tổng thu nhập của tôi tầm 10 triệu/tháng, là tất cả để nuôi sống 4 người gồm cha già, con nhỏ, vợ bán rau bữa có bữa không, vay mượn khắp nơi. Nếu mất việc không biết làm gì sinh sống” - anh Quý nói.
Nguyễn Thị Trà M (30 tuổi, quê Bến Tre) mới vào làm công nhân tại Công ty PouYuen Việt Nam được hơn một năm và vừa có hợp đồng lao động, mới được lãnh thưởng Tết đầu tiên thì nay nhận tiền thất nghiệp. M thở dài: “Buồn lắm chứ, chưa hết mừng vì có việc làm, có tiền lo cho gia đình thì đã mất việc. Là lính mới nên chi phí hỗ trợ không bao nhiêu. Lo nhất là thời điểm này, nhiều DN cũng khó khăn sẽ không nhận thêm người”.
“Ngày thấy tên mình có trong danh sách sa thải, tôi buồn không ăn được cơm” - ông Trần Văn Hồng (45 tuổi, công nhân PouYuen) buồn thiu. Căn phòng trọ nằm sâu trong con hẻm 54 (Q.Bình Tân, TPHCM), dù chỉ rộng chưa tới 15m2 nhưng là nơi ở của 7 người gia đình ông Hồng.
“Con gái, con rể đều đang thất nghiệp trong mùa dịch, tôi trở thành lao động chính, thu nhập gần chục triệu đồng/tháng nhưng phải lo 7 miệng ăn. Nay tôi cũng thất nghiệp nốt thì không biết xoay xở thế nào. Chúng tôi tính đường cùng sẽ về quê, chứ cố bám trụ thành phố e không nổi” - ông Hồng nói.
Công ty PouYuen Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đóng tại quận Tân Bình (TPHCM) chuyên gia công các loại giày thể thao xuất khẩu.
Đại diện công ty cho hay, hiện tại công ty có trên 62.000 lao động. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu tháng 2/2020, nhiều đơn hàng của công ty bị cắt giảm khiến hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn. Bất đắc dĩ công ty mới cho gần 3.000 lao động nghỉ việc, kể từ ngày 5/8.
“Nhiều tháng qua, công ty đã cố gắng duy trì hoạt động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nhiều công nhân được sắp xếp nghỉ luân phiên để chờ việc. Do chưa có những đơn hàng mới nên công ty buộc phải cho công nhân nghỉ việc và đây là việc bất khả kháng” - vị đại diện nói.
Trước đó, ngày 15/5, Công ty giày da Huê Phong (Q.Gò Vấp, TPHCM) cũng cắt giảm 2.200 công nhân do không có đơn hàng. Bị nằm trong “danh sách đen”, Nguyễn Thị Hồng Thắm (22 tuổi, quê Tiền Giang) trải lòng: “Đang làm việc bình thường, bỗng em nhận được thông báo nghỉ việc. Dù nhận được 2 tháng tiền công ty hỗ trợ thất nghiệp nhưng em đều gửi hết về cho gia đình. Một mình ở lại thành phố, em nộp đơn nhiều nơi nhưng chưa đâu vào đâu. Trong khi tiền nhà trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày khiến em không biết xoay thế nào”.
Thắm nói thêm, lúc có dịch COVID-19, công ty không tăng ca, việc giảm kéo theo thu nhập giảm, nhưng ít ra vẫn còn tầm 5 triệu đồng/tháng; còn giờ hết dịch thì lại mất việc, trắng tay.
Tại Đồng Nai, từ tháng 5 đến nay, đa số các công ty đều không có đơn hàng mới. Công ty D.P (KCN Biên Hòa 2) chỉ còn làm việc 4 ngày/tuần. Chị T.H.T (công nhân D.P) cho hay: “Tôi làm quản lý bộ phận, lương trên 500.000 đồng/ngày, nay giảm còn 170.000 đồng/ngày. Dù rất khó khăn nhưng công ty không sa thải công nhân, cố gắng cầm cự bằng cách giảm lương, giảm giờ làm; công nhân đồng tình chia sẻ. Thế nhưng tình trạng này không biết kéo dài đến bao giờ. Không tăng ca kíp, không biết công nhân sẽ sống ra sao trong thời buổi khó khăn, giá cả đắt đỏ như hiện nay”.
Bị sa thải khi đã ở độ tuổi 50, bà Trần Thị H (51 tuổi) nói: “Biết công ty khó khăn, chúng tôi tình nguyện giảm giờ làm hoặc nghỉ không lương nhưng công ty không đồng ý mà cắt giảm hàng loạt”. Theo bà H, bà đã 51 tuổi, giờ nghỉ gần như không công ty nào nhận bà nữa, cho nghỉ việc ở độ tuổi “sắp hưu” này chẳng khác gì dồn người khó vào đường cùng. Mới đây, Công ty S.L (Trảng Bom, Đồng Nai) cũng cho thôi việc 4 người trong ban chấp hành công đoàn cơ sở dù họ là người gắn bó lâu năm và đều lớn tuổi.