Hàng nghìn container vô chủ ở Cát Lái
Hàng nghìn container vô thừa nhận, chủ yếu là phế liệu đang nằm tại khu vực cảng Cát Lái (TP.Thủ Đức, TPHCM) từ nhiều tháng qua gây khó khăn cho hoạt động tại khu vực cảng.
Trưa 7/12, PV Tiền Phong có mặt tại khu vực cảng Cát Lái để ghi nhận tình hình thực tế nơi đây. Hàng nghìn container vô chủ nằm rải rác ở cảng Cát Lái khá lâu, nhiều container đã bạc màu, thậm chí còn gỉ sét do mưa nắng… đang chiếm phần lớn mặt bằng cảng.
Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cho biết, nhiều doanh nghiệp không đến nhận hàng là do đơn vị giao hàng gửi nhầm, không đúng hàng hóa vì vậy doanh nghiệp (DN) từ chối nhận hàng.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 kéo dài khiến DN bỏ hàng do chi phí lưu bãi, lưu container vượt giá trị hàng hóa, nhất là đối với hàng hóa đông lạnh (do chi phí điện rất lớn).
Ngoài ra, hiện nay DN kinh doanh kho bãi cũng không có chính sách miễn giảm đối với các container là hàng hóa tồn đọng dẫn đến DN từ bỏ nhận hàng. “Lượng container lưu bãi lên đến hàng nghìn, chiếm diện tích không nhỏ đã gây ảnh hưởng đến kinh doanh, sản xuất của cảng.
Do lượng container tồn quá nhiều, cảng đã phải di dời một số container sang cảng Hiệp Phước (TP.Thủ Đức) để tạm trong thời gian chờ xử lý theo quy định”, đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cho biết.
Về giải pháp xử lý container tồn, vị này cho biết, Tổng Công ty Tân Cảng (DN kinh doanh kho bãi, khai thác cảng) thống kê danh sách container tồn đọng quá 30 ngày, 60 ngày và 90 ngày chưa có người đến nhận hàng.
Sau đó, Tổng Công ty Tân Cảng gửi danh sách cho Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I để thực hiện các bước xử lý theo quy định. Việc xác minh DN cũng đang gặp nhiều khó khăn, có DN thông tin vẫn đang hoạt động nhưng khi công chức hải quan tìm đến nơi thì đã ngừng hoặc có người khác kinh doanh nhưng không báo cáo với cơ quan thuế, chính quyền địa phương.
Đấu giá hoặc tiêu hủy
Chiều 7/12, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vương Tuấn Nam, Trưởng phòng Giám sát Quản lý - Cục Hải quan TPHCM, cho biết, tổng số container còn tồn ở các cảng tại TPHCM tính đến ngày 14/11 là gần 5.900, trong đó hơn 4.100 container tồn quá 90 ngày.
Số container tồn đọng tại cảng Cát Lái thuộc quản lý của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I chiếm phần lớn, với hơn 5.700 container. Hàng hóa tồn đọng chủ yếu là hàng đông lạnh đã quá hạn sử dụng, hàng hóa có giá trị thấp như thức ăn chăn nuôi, gỗ thông, thực phẩm thông thường...
Trước câu hỏi liệu DN không đến nhận hàng có phải là DN “ma”, ông Nam trả lời, cơ quan hải quan không có chức năng nhiệm vụ xác minh lý do DN không đến nhận hàng. Tuy nhiên, qua công văn xin tái xuất hàng hóa của các hãng tàu, lý do không nhận hàng là chủ hàng nước ngoài gửi nhầm; hàng hóa không phải của DN nên từ chối nhận hàng; hãng tàu không thể liên lạc với người nhận hàng trên vận tải đơn.
“Hiện nay cơ quan hải quan không có thẩm quyền và căn cứ để xác minh chủ hàng có phải DN “ma” hay không. Đối với các đơn hàng tồn đọng tại cảng biển trên vận đơn đều thể hiện thông tin người nhận hàng”, ông Nam nói.
Về hướng xử lý, ông Nam cho biết, sau khi kiểm tra, xác minh sẽ thông báo tìm chủ hàng tồn đọng với hàng hóa lưu giữ quá 90 ngày; xác lập quyền sở hữu toàn dân; thành lập hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng theo từng năm gồm các sở, ngành có liên quan như Sở TN&MT, Sở Tài chính… Sau đó, tùy vào tình hình hàng hóa sẽ có kế hoạch đấu giá hoặc tiêu hủy.
Nguy cơ gây ô nhiễm
Theo ông Nam, lượng container tồn lâu ngày có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ách tắc tại cảng. Việc tồn đọng hàng trong bãi cũng làm thiếu container rỗng, buộc các hãng tàu phải tăng giá cước vận chuyển. Việc hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại cảng Cát Lái, dẫn tới các DN cảng phải luân chuyển nhiều lần vị trí các container trong bãi cảng hoặc giữa các cảng.
Điều này làm gia tăng chi phí cho các cảng, khách hàng, hãng tàu và giảm năng suất khai thác cảng; ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khác của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, làm phát sinh các khoản chi phí trong quá trình xử lý hàng hóa tồn đọng tại cảng, gây khó khăn về nhân sự tham gia giám sát, tiêu hủy phế liệu…
Về giải pháp hạn chế container tồn, ông Nam nói rằng, Cục Hải quan TPHCM có nhiều giải pháp, bao gồm quản lý chặt chẽ vấn đề kê khai của DN, đặc biệt là các hãng tàu, lưu lại tất cả lịch sử hàng hóa xuống cảng. Trên cơ sở đó, quy trách nhiệm nơi vận chuyển hàng đến. “Trong thời tới, khi ngành hải quan xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh sẽ giải được bài toán quản lý hàng hóa container cảng biển. Từ đó, có thể theo dõi diễn biến hằng ngày và làm rõ trách nhiệm của các bên. Như vậy, trong tương lai, vấn đề hàng hóa tồn đọng sẽ giảm đi rất nhiều”, ông nói.
Khó tìm chủ DN đến nhận hàng
Ông Vương Tuấn Nam cho biết, có trường hợp một số DN được thành lập, nhưng nhờ người khác đứng tên. Tuy nhiên, với hàng tồn đọng, vì không xác định được chủ hàng, nên cũng không thể xác định được đó có phải là DN “ma” hay không. “Cơ quan hải quan rất vất vả trong việc tìm kiếm, xác minh chủ sở hữu container tồn đọng để xử lý. Hầu hết trường hợp đăng tin tìm chủ sở hữu hàng hóa đều không tìm gặp”, ông nói.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hang-nghin-container-vo-chu-o-cat-lai-post1593708.tpo