Hàng nghìn héc-ta lúa và diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển bị ngập úng do bão số 3

Sáng ngày 22/7, bão số 3 đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa phổ biến 100 – 200 mm, có nơi trên 300 mm. Mưa lớn kết hợp triều cường khiến hàng nghìn héc-ta lúa mùa và diện tích nuôi trồng thủy sản tại các xã ven biển bị ngập úng nghiêm trọng, nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng.

Xã Thái Thụy có hơn 640 ha lúa mùa bị ngập úng do bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thắm

Xã Thái Thụy có hơn 640 ha lúa mùa bị ngập úng do bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thắm

Xã Đông Thái Ninh hơn 900 ha lúa mùa bị ngập úng do bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thắm

Xã Đông Thái Ninh hơn 900 ha lúa mùa bị ngập úng do bão số 3. Ảnh: Nguyễn Thắm

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 14 giờ 30 phút, xã Thái Ninh có hơn 990/1.002,5 ha lúa mùa bị ngập; xã Đông Thái Ninh có hơn 900/1.011 ha lúa mùa và hơn 291 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng. Tại xã Đông Thụy Anh, hơn 470/1.244 ha lúa mùa bị ngập; xã Thái Thụy có hơn 640/1.122 ha lúa mùa và hơn 23/300 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.

Xã Đông Thụy Anh huy động lực lượng xung kích đóng hơn 300 bao cát đắp Baket khu vực cầu sông Hóa để phòng, chống ngập úng diện tích đất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thắm

Xã Đông Thụy Anh huy động lực lượng xung kích đóng hơn 300 bao cát đắp Baket khu vực cầu sông Hóa để phòng, chống ngập úng diện tích đất nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thắm

Hiện nay, các xã ven biển đang thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”; duy trì trực ban 24/24 giờ để theo dõi mực nước, kịp thời mở cống tiêu khi thủy triều rút; huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, giải tỏa ách tắc hệ thống thủy lợi; chủ động tiêu úng cho lúa mùa mới cấy, hoa màu và các vùng trũng, thấp nhằm bảo vệ sản xuất và ổn định đời sống dân sinh.

* Xã Đông Thụy Anh

Nước ngập sâu trên cánh đồng lúa của xã Đông Thụy Anh. Ảnh: Hồng Hạnh

Nước ngập sâu trên cánh đồng lúa của xã Đông Thụy Anh. Ảnh: Hồng Hạnh

Theo báo cáo nhanh của UBND xã Đông Thụy Anh: Tính đến 15 giờ ngày 22/7, bão số 3 không gây thiệt hại về người và nhà ở, song đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Toàn xã có 50ha trong tổng số 425,2ha nuôi trồng thủy sản bị ngập (chiếm 11,8%), trong đó khoảng 20ha bị mất trắng do nằm sát mép bờ sông Hóa. Diện tích lúa bị ngập 572ha/1.244,4ha, chiếm 46%. Hoa màu cũng chịu thiệt hại nặng, với 34ha/50ha bị ngập, tương đương 67,3%. Ngoài ra, tuyến đường giao thông ven bờ sông trục N2 bị sạt lở khoảng 300m. Một số tuyến đường ven các sông trục bị ngập, nước tràn qua đường, thiệt hại về cơ sở hạ tầng đang được tiếp tục thống kê.

Nhiều ao, đầm nuôi thủy sản ven sông Hóa ở xã Đông Thụy Anh bị tràn nước, nguy cơ mất trắng. Ảnh: Hồng Hạnh

Nhiều ao, đầm nuôi thủy sản ven sông Hóa ở xã Đông Thụy Anh bị tràn nước, nguy cơ mất trắng. Ảnh: Hồng Hạnh

Chính quyền xã Đông Thụy Anh đang tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, thống kê thiệt hại, khắc phục hậu quả và triển khai phương án khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.

* Xã Vũ Thư có hơn 900 ha lúa mùa bị ngập sâu

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Vũ Thư, bão số 3 gây mưa lớn đã làm cho hơn 900 ha trên tổng số hơn 1,2 nghìn ha lúa mùa trên địa bàn xã bị ngập sâu.

Toàn bộ diện tích lúa mùa tại cánh đồng thôn Khê Kiều bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Đào Quyên

Toàn bộ diện tích lúa mùa tại cánh đồng thôn Khê Kiều bị ngập sâu trong nước. Ảnh: Đào Quyên

Ngoài ra, trên địa bàn xã có khoảng 80 cây công nghiệp và cây ăn quả gãy đổ đã được giải tỏa để bảo đảm giao thông; gần 130 ha trên tổng số 195 ha hoa màu bị ngập úng, dập nát. Mưa bão đã làm một số tuyến đường nội đồng, ngõ xóm bị ngập; 30 biển hiệu quảng cáo, biển cơ quan bị gãy, đổ.

Trạm bơm Nam Bi vận hành hết công suất để tiêu thoát nước. Ảnh: Đào Quyên

Trạm bơm Nam Bi vận hành hết công suất để tiêu thoát nước. Ảnh: Đào Quyên

Hiện nay, chính quyền xã Vũ Thư đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trạm y tế, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn; các thôn, tổ dân phố huy động cán bộ, Nhân dân ra quân tổng vệ sinh thu dọn cành cây, rác thải, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường; đồng thời, chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp khẩn trương thực hiện phương án tiêu, thoát nước theo kế hoạch phòng, chống úng để bảo vệ lúa mới cấy và cây màu; tuyên truyền, vận động Nhân dân ra đồng vớt rong, rêu, khơi thông dòng chảy, thu dọn cây cối, vật cản trên ruộng lúa, ruộng trồng cây màu để tiêu thoát nước nhanh.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/hang-nghin-hec-ta-lua-va-dien-tich-nuoi-trong-thuy-san-ven-bien-bi-ngap-ung-do-bao-so-3-3182878.html