Chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng Tết Nguyên đán Giáp Thìn "Tết Việt – Tết Phố 2024" được Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị tổ chức nhằm giới thiệu đến người dân Thủ đô và du khách nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền.
Tại đây, nhiều nghi lễ truyền thống của Tết Nguyên đán được tái hiện, thu hút sự quan tâm của đông đảo mọi người.
Mở đầu các hoạt động, đoàn rước lễ xuất phát từ ngôi nhà di sản 87 Mã Mây.
"Tết Phố” tái hiện lại những nét đẹp văn hóa truyền thống mà trong xã hội hiện đại ngày nay các thế hệ trẻ ít có cơ hội được trải nghiệm.
Những trang phục truyền thống xưa được ban tổ chức tỉ mỉ chọn lựa để tái hiện khung cảnh tết xưa trong lòng người Việt.
Tại chương trình này, khách tham quan được chứng kiến việc sắp mâm lễ của đại diện một số dòng họ ở Hà Nội, để dâng cúng Thành hoàng, các hoạt động diễn xướng dân gian như hát, múa cửa đình, hát xoan, múa trống bồng, hát văn.
Đoàn rước đi qua những con phố trong vùng lõi của phố cổ Hà Nội như Hàng Bạc, Tô Tịch, Mã Mây, Tạ Hiện... rồi về đình Kim Ngân tại địa chỉ số 42, 44 phố Hàng Bạc.
Đoàn rước lễ trong trang phục truyền thống gồm các nam thanh, nữ tú cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham dự.
Các du khách nước ngoài thích thú khi được chứng kiến và tham gia các hoạt động trong khuôn khổ chương trình "Tết Việt - Tết Phố 2024"
Đoàn rước lễ đến điểm cuối là đình Kim Ngân, ngôi đình được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ ông tổ bách nghệ (tổ trăm nghề) Hiên Viên.
Tiếp theo, một trong những nghi lễ không thể thiếu vào ngày Tết là lễ dựng cây nêu. Trước khi bắt đầu làm lễ dựng cây nêu, câu đối sẽ được viết để được treo lên. Câu đối được viết bằng chữ Nôm nhằm giúp mọi người cảm nhận sâu sắc hơn không khí ngày xuân qua màu giấy đỏ, hình ảnh ông đồ đã gắn liền với dân tộc Việt Nam.
Các vị đại biểu và thành viên trong ban tổ chức cùng nhau dựng cây nêu ngày Tết chào đón năm mới.
Tiết mục múa truyền thống "Con đĩ đánh bồng" của làng Triều Khúc được trình diễn tại sự kiện.
Phạm Trọng Tùng