Hàng nghìn người đi lễ đền ông Hoàng Mười cầu phúc lộc đầu năm
Trong những ngày đầu năm mới Tết Quý Mão 2023, hàng nghìn người dân khắp nơi trên cả nước nô nức đi lễ đền ông Hoàng Mười tại tỉnh Nghệ An.
Thời tiết nắng ấm trong những ngày đầu năm Tết Quý Mão 2023 nên rất đông người dân địa phương và du khách thập phương đã đổ về đền ông Hoàng Mười.
Đền ông Hoàng Mười nằm ở địa phận làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Theo ghi chép, đền được xây dựng vào năm 1634, từ thời Hậu Lê. Trải qua lịch sử, đền bị phá hủy. Năm 1995, đền được xây dựng lại, giờ trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi tiếng của tỉnh Nghệ An.
Đền được phục dựng theo quy mô truyền thống, gồm tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu. Tại đền, hiện còn giữ 21 đạo sắc phong, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao.
Theo nhân gian kể lại ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần để giúp đời. Người dân xứ Nghệ cũng lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam.
Với quyền uy và địa vị cao quý ấy, người ta luôn tin tưởng rằng ông Hoàng Mười chính là vị thần sẽ mang đến sự thăng tiến trong con đường công danh sự nghiệp cho bản thân mình.
Hầu hết những người đến ngôi đền này xin lộc đều cầu mong được quan Hoàng Mười phù hộ độ trì cho học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt, đường quan lộ được hanh thông.
Vì vậy, từ nhiều năm nay, đền ông Hoàng Mười là điểm đến tâm linh của hàng nghìn người dân vào dịp đầu xuân, năm mới. Ngoài vàng mã, hoa quả thì ông ngựa được du khách chọn là lễ vật dâng lên nhiều nhất tại đền. Mỗi ông ngựa cao 1-2m, có giá từ 300.000-500.000 đồng, tùy kích thước.
Năm 2019, lễ hội đền ông Hoàng Mười được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày 9 -10/10 Âm lịch hàng năm, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tưởng nhớ công đức của các vị phúc thần. Từ đó, giáo dục tình yêu quê hương, đất nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các tầng lớp nhân dân và quảng bá hình ảnh lễ hội cũng như giá trị của di tích.