Hàng quán bán thịt gà đóng cửa, chợ vắng người mua sau các vụ ngộ độc ở Nha Trang
Trước khi các vụ ngộ độc xảy ra, mỗi ngày bán 50-60 con gà, nay cả ngày chỉ bán được một, hai con' - chị Hồng, chủ vựa gà ở chợ Xóm Mới ở Nha Trang buồn bã nói.
Sáng 11-4, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Khánh Hòa cho biết các đoàn kiểm tra của đơn vị vẫn đang thực hiện kế hoạch kiểm tra các cơ sở giết mổ, hàng quán ăn uống, kinh doanh sản phẩm thực phẩm từ liên quan đến gà.
“Trước mắt sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở giết mổ, nhà hàng ăn uống quy mô có liên quan đến gà về giấy tờ xuất xứ nguồn gốc, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nhất là công đoạn bảo quản, chế biến”, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Khánh Hòa thông tin.
Quán cơm gà đóng cửa, vựa bán gà ế ẩm
“Quán đang tạm ngưng kinh doanh món phở gà em à. Cả tuần nay không ai đến quán gọi phở gà nữa”, chị Ngân, chủ quán phở Nam Ngân trên đường Yersin TP Nha Trang chia sẻ.
Theo nữ chủ quán cho biết trước khi các vụ ngộ độc xảy ra mỗi ngày bán hơn 50 tô phở gà các loại, nhưng gần 10 ngày trước mỗi ngày chỉ một hai người đến quán gọi món này.
“Ngay sau vụ ngộ độc ở phường Vĩnh Trường xảy ra tôi quyết định tạm ngưng bán phở gà. Phở gà của quán chỉ bán trong ngày, còn thì không lưu qua ngày hôm sau, khi khách ít đành tạm ngưng bán để cắt lỗ”, chị Ngân nói.
Khảo sát một số quán cơm gà thường đông khách ở TP Nha Trang rất nhiều trong số đó đã tạm đóng cửa, số khác vẫn bán nhưng cầm chừng vì rất ít người ăn.
Quán cơm Gà Út phường Phương Sài, TP Nha Trang đóng cửa im lìm mấy ngày nay. Chủ quán cho biết khách ghé quán ít hơn so với trước thời điểm các vụ ngộ độc xảy ra nên tạm đóng cửa, chờ tình hình ổn định rồi bán lại.
Tương tự, chủ một số quán cơm gà khác cũng cho biết lượng khách đã giảm hơn một nửa so với trước.
“Khách đến quán giờ đa phần khách quen lâu lâu năm vì họ tin tưởng quán về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, còn khách du lịch rất ít. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm làm rõ các vụ ngộ độc để trả lại danh tiếng cho thịt gà”, chủ quán cơm gà Xối Mắm phường Phước Tân mong muốn.
Trong khi đó, một số người dân cũng cho biết có tâm lý e ngại khi ăn các món chế biến từ gà. “Mình rất thích các món ăn từ thịt gà nhưng thời gian này không dám ăn vì thông tin các vụ ngộ độc đều liên quan đến thịt gà nên có phần lo lắng”, anh Nguyễn Văn Hưng, ngụ TP Nha Trang, cho biết.
Tình trạng ế ẩm, không người mua cũng diễn ra tại các chợ, vừa bán gà lớn ở TP Nha Trang thời gian này. Tại chợ Xóm Mới - chợ nằm trung tâm TP Nha Trang, các hàng bán thịt gà vắng hoe.
“Ba bốn ngày nay không ai hỏi mua dù tôi chỉ bán chưa đến năm con gà một phiên chợ, lượng khách mua giảm hẳn so với trước. Một số khách quen đi ngang qua cũng chỉ hỏi thăm chứ không có ý định mua”, chị Hiền, chủ sạp thịt gà trong chợ Xóm Mới nói.
Còn chị Hồng, chủ vựa gà lớn nhất nhì chợ Xóm Mới, TP Nha Trang, buồn bã khi mỗi ngày chỉ bán được một đến hai con gà. “Hồi trước bán lẻ cũng 50-60 con thì này cả ngày chỉ bán được không quá hai con. Còn các nhà hàng, quán ăn thì ngưng hẳn nhập hàng gần tuần nay”- chị Hồng nói.
Theo chị Hồng, thông tin các vụ ngộ độc liên quan đến gà đã ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của gia đình.
“Mình buôn bán ở chợ này cũng hơn 10 năm và chỉ bán gà sống. Tất cả gà của vựa đều có giấy tờ chứng minh nguồn gốc rõ ràng. Nhưng thông tin lan truyền về các vụ ngộ độc khiến người dân lo ngại mà có tâm lý tẩy chay thịt gà”- chị Hồng nói và mong muốn cơ quan chức năng sớm có biện pháp để ổn định tâm lý người tiêu dùng liên quan đến thịt gà.
Người dân không nên quá lo về món ăn từ gà
Trao đổi với PLO, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho rằng mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh.
"Người dân không nên quá lo lắng về các sản phẩm thức ăn được chế biến từ gà"- ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa.
“Cơ quan chức năng chỉ khuyến cáo người dân không nên chọn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đủ các loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Còn những cơ sở đã được chứng nhận an toàn, giấy tờ đầy đủ vẫn là nơi an toàn để người dân lựa chọn ăn uống, mua hàng ngày”- ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, người dân không nên quá lo lắng về các sản phẩm thức ăn được chế biến từ gà.
“Mỗi người dân hay là người tiêu dùng thông minh, tức là chọn cho mình loại thực phẩm an toàn, có đủ giấy tờ liên quan hợp pháp. Nếu là gà thì cần có đủ giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ, nếu quán ăn có thịt gà thì phải có giấy chứng nhận đủ an toàn vệ sinh thực phẩm còn thời hạn. Hạn chế ăn thức ăn bán vỉa hè không đảm bảo vệ sinh và ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ ngộ độc”, ông Minh khuyến cáo.
Còn ông Nguyễn Đình Thoan, Phó giám đốc Sở Y tế, Phó ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện các đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh, huyện đến các xã vẫn đang thực hiện công tác thanh, kiểm tra theo chỉ đạo của UBND tỉnh liên quan các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có thịt gà.
Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Khánh Hòa (Ban chỉ đạo) cũng đã có công văn gửi các sở Y tế, Nông nghiệp, Phát triển nông thôn, Công Thương, Giáo dục Đào tạo, Thông tin Truyền thông và UBND huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP).
Theo ông Thoan, Ban chỉ đạo giao các sở Y tế, Nông nghiệp, Phát triển nông thôn, Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP thuộc thẩm quyền quản lý; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh; chủ động giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, kịp thời có biện pháp xử lý vi phạm và cảnh báo cho người tiêu dùng biết lựa chọn cơ sở thực phẩm an toàn và chọn mua, sử dụng thực phẩm an toàn.
Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ATTP, trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng trong khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền theo phân cấp quản lý.
Sở Công Thương được giao trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát ATTP, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm việc kinh doanh các loại sản phẩm thực phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo ATTP. Trong đó, chú trọng kiểm soát đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trên các trang thương mại điện tử.
Tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các sở, ngành kiên quyết, xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP (thuộc đối tượng phải cấp).
Đồng thời, công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.
Xuân Hoát