'Hàng rào' bảo vệ và kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng
Bộ Xây dựng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, đồng thời tăng cường giám sát để chống gian lận thương mại và kiểm soát chất lượng.
Ngày 21/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị tập huấn Thông tư số 10/2024/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới điểm cầu các sở, ngành của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Thông tư này chính thức có hiệu lực ngày 16/12/2024.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất trong nước, đồng thời tăng cường giám sát để chống gian lận thương mại và kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng ở tất cả các khâu.
Hiện nay, ngành vật liệu xây dựng trong nước đang đối mặt với những thách thức lớn như sản lượng sản xuất và tiêu thụ giảm sút, gia tăng tình trạng buôn lậu và hàng giả. Các doanh nghiệp trong nước chịu áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Trong khi đó, yêu cầu về chất lượng, an toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước và quốc tế đối với vật liệu xây dựng ngày càng khắt khe, đòi hỏi chính sách quản lý phù hợp. Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và triển khai các biện pháp về hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm vật liệu xây dựng nhập khẩu, đặc biệt là gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng, bảo đảm phù hợp với những quy định về tự do thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng xây dựng dự thảo và tiếp thu ý kiến các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc để hoàn thiện và ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD nhằm tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng.
Từ đó, sàng lọc và phân biệt rõ các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng chất lượng tốt và các loại chất lượng chưa tốt để quản lý chính xác, hiệu quả hơn từng nhóm đối tượng. Đồng thời, khuyến khích nâng cao sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng chất lượng tốt và xử lý vi phạm (nếu có) kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Thông tư số 10/2024/TT-BXD được triển khai, áp dụng trong thực tiễn sẽ giúp cụ thể hóa, minh bạch trong việc phân biệt các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng (nhóm 2) có khả năng gây mất an toàn về chất lượng công trình, sức khỏe, môi trường so với các sản phẩm vật liệu xây dựng thông thường không có khả năng gây mất an toàn (nhóm 1).
Trên cơ sở đó, xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng để đảm bảo chất lượng, thực hiện đầy đủ theo các quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và liên thông với pháp luật về hải quan (áp mã hàng hóa, áp mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu) – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Lê Trung Thành cho biết, đối tượng áp dụng của Thông tư số 10/2024 bao gồm: các cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu và sử dụng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng; tổ chức đánh giá sự phù hợp (tổ chức chứng nhận, tổ chức thử nghiệm, tổ chức kiểm định và tổ chức giám định) và tổ chức giám định tư pháp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Điểm mới, nổi bật của Thông tư số 10/2024/TT-BXD tập trung vào những vấn đề liên quan đến nội dung quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Cụ thể, Thông tư tập trung vào quản lý chất lượng vật liệu xây dựng ở tất cả các giai đoạn, bao gồm sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, lưu thông và sử dụng. Đặc biệt, việc phân loại vật liệu xây dựng thành hai nhóm - nhóm 1 (không gây mất an toàn) và nhóm 2 (tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn). Điều này được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường hiệu quả quản lý về vật liệu xây dựng.
Để phù hợp với thông lệ quốc tế, Việt Nam cần áp dụng phương pháp kiểm tra chất lượng tại nguồn sản xuất đối với các mặt hàng nhập khẩu như gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn giảm tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường nội địa.
“Các địa phương cần chủ động tiếp nhận và xử lý hồ sơ liên quan đến vật liệu xây dựng cũng như tăng cường phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc giám sát, đánh giá và xử lý vi phạm nếu có” – Vụ trưởng Lê Trung Thành chia sẻ.
Tại hội nghị, Bộ Xây dựng dành nhiều thời gian trao đổi, hướng dẫn, giải đáp nội dung được Sở Xây dựng các địa phương, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng.
Bộ Xây dựng mong muốn các địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện Thông tư một cách hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng sẽ quan tâm, ghi nhận và tổng hợp những góp ý từ các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân để có những hướng dẫn kịp thời, nhằm đảm bảo phát huy tối đa giá trị thực tiễn của Thông tư.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hang-rao-bao-ve-va-kiem-soat-chat-luong-vat-lieu-xay-dung/354181.html