Hàng rào xanh ngăn xung đột giữa người và voi

Nhằm ngăn cản đàn voi rừng di chuyển ra khu vực dân cư, giúp ngăn ngừa xung đột giữa người và voi, đồng thời tạo sinh kế cho người dân địa phương, nhiều năm qua, Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) đã triển khai thực hiện dự án trồng hàng rào cây bồ kết xung quanh vùng đệm của khu bảo tồn.

Nhằm ngăn cản đàn voi rừng di chuyển ra khu vực dân cư, giúp ngăn ngừa xung đột giữa người và voi, đồng thời tạo sinh kế cho người dân địa phương, nhiều năm qua, Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) đã triển khai thực hiện dự án trồng hàng rào cây bồ kết xung quanh vùng đệm của khu bảo tồn.

Nhân viên bảo vệ rừng tuần tra trong lâm phận Khu bảo tồn voi.

Nhân viên bảo vệ rừng tuần tra trong lâm phận Khu bảo tồn voi.

Ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (KBT) cho biết, KBT được UBND tỉnh Quảng Nam thành lập theo Quyết định số 2090/ QĐ-UBND ngày 9-6-2017, lâm phận trên địa bàn hai xã Phước Ninh và Quế Lâm (huyện Nông Sơn) với diện tích 18.977ha. Trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 11.238ha, chiếm 59% tổng diện tích tự nhiên. Qua ghi nhận, hiện trong KBT có đàn voi với 8 cá thể cùng hệ động, thực vật rất đa dạng, phong phú.

Cũng theo ông Dưỡng, những năm trước, do môi trường sống bị thu hẹp và nguồn thức ăn khan hiếm, đàn voi thường xuyên xuất hiện ở bìa rừng, khu vực dân cư sinh sống, phá hoại nhiều hoa màu của người dân. Voi ra khu vực dân cư đã tạo ra xung đột căng thẳng giữa người dân và voi rừng. Cụ thể, năm 2017, đàn voi ra khỏi rừng, đến rẫy cao su giẫm đạp và phá nhiều vật tư như chén, xô đựng mủ cao su, làm trốc gốc, gãy đổ 53 cây cao su tại tiểu khu 454.

Đàn voi rừng trong lâm phận Khu bảo tồn voi.

Đàn voi rừng trong lâm phận Khu bảo tồn voi.

Liên tiếp trong các năm sau, trong quá trình di chuyển tìm kiếm nguồn thức ăn tại khu vực Khe Hoang, Khe Dứa, Khe Cắt... đàn voi đã gây thiệt hại khoảng 5ha cây keo, hơn 100 gốc chuối, 2ha cỏ và hơn 1.000 mét ống dây dẫn nước của 21 hộ dân; phá vỡ gần 100 chén nhựa, nhiều xô đựng mủ cao su và làm trốc hàng chục gốc cao su tại khu vực lô 58, tiểu khu 454 của Nông trường cao su Nông Sơn...

Trước thực tế trên, nhằm ngăn cản đàn voi rừng di chuyển ra khu vực dân cư, năm 2019 và năm 2021, Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ đã hỗ trợ kinh phí để Ban quản lý KBT thực hiện trồng rừng hàng rào xanh bằng loài cây bồ kết tại các tiểu khu 453, 454, 459 và 460 xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn) với diện tích 23,3ha. “Sau thời gian trồng thử nghiệm, các ngành chức năng đánh giá cây sinh trưởng và phát triển tốt. Trong quá trình thực hiện, Ban Quản lý đã thường xuyên theo dõi, đánh giá quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Sau gần 5 năm trồng và chăm sóc, cây bồ kết sinh trưởng, phát triển tốt (50% cây có chiều cao khoảng 3m), có triển vọng hình thành hàng rào xanh bền vững cho Khu bảo tồn”, ông Mai Văn Dưỡng thông tin.

Trong tương lai, cây bồ kết với nhiều gai sẽ ngăn cản đàn voi rừng di chuyển ra khu vực dân cư.

Trong tương lai, cây bồ kết với nhiều gai sẽ ngăn cản đàn voi rừng di chuyển ra khu vực dân cư.

Phát huy thành quả trên, cuối năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục thống nhất chủ trương hợp tác thực hiện dự án trồng hàng rào xanh bằng cây bồ kết tại Ban Quản lý KBT, kinh phí do Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ hơn 68.000 USD. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương triển khai trồng hàng rào xanh bằng cây bồ kết trên diện tích 7ha (tương ứng với chiều dài 1,5 km, rộng 45m); kinh phí đối ứng hơn 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện để thực hiện hạng mục chăm sóc rừng trồng. Địa điểm triển khai dưạ́n tại Khoảnh 3 tiểu khu 460 (xã Quế Lâm), thuộc vùng đệm Khu bảo tồn. Thời gian thực hiện đến tháng 12-2028.

Nói về tính hiệu quả của dự án trên, ông Trần Út- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, dự án trồng hàng rào xanh bồ kết không những ngăn cản đàn voi rừng di chuyển ra khu vực dân cư, giúp ngăn ngừa xung đột giữa voi và người, mà tương lai người dân sẽ được thu hái quả cây bồ kết cải thiện sinh kế, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo của địa phương. Đồng thời, hàng rào xanh cũng tạo nên ranh giới “mềm” giữa rừng tự nhiên và rừng sản xuất, đất canh tác của người dân.

Như vậy có thể thấy, việc trồng hàng rào xanh bằng cây bồ kết không những ngăn cản đàn voi rừng di chuyển ra khu vực dân cư, giúp ngăn ngừa xung đột giữa voi và người, mà còn góp phần bảo vệ, duy trì, phát triển quần thể voi còn lại. Qua đó khôi phục và phát triển sinh cảnh sống, cũng như hỗ trợ phát triển sinh kế cộng đồng, góp phần cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

TRẦN TÂN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/hang-rao-xanh-ngan-xung-dot-giua-nguoi-va-voi-post296926.html