Hàng rong cổng trường - sợ nhưng vẫn ăn
Dù năm học mới chưa chính thức diễn ra, nhưng những ngày này, học sinh đã bắt đầu đến nhận lớp. Kéo theo đó, các hàng rong di động với đầy đủ các mặt hàng 3 không: không nguồn gốc, nhãn mác và hạn sử dụng cũng bắt đầu 'xuất quân' cho năm học mới.
Mập mờ chất lượng
Gần 11 giờ trưa ngày 12-8, tại cổng Trường THCS Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), dù chưa đến giờ tan học nhưng đã có tới 7 xe hàng rong xếp hàng trên vỉa hè với đủ món, từ bánh tráng trộn, nem chua rán, tôm viên, cá viên chiên cho đến các loại nước giải khát, kẹo nhiều hình thù, màu sắc sặc sỡ. Chỉ với vài ngàn đồng, học sinh đã có ngay món khoái khẩu.
Đứng quan sát quy trình cho ra món ăn, chúng tôi cảm thấy bất an. Những chiếc nem chua đóng đá thành từng tảng đựng trong túi ni lông không nhãn hiệu được người bán hàng rong dùng tay không bốc từng chiếc, lăn sơ qua bột chiên và thả thẳng vào chảo dầu đen kịt vì chiên đi chiên lại nhiều lần. Cá viên và tôm viên cũng vậy, đều được đóng trong những túi ni lông không nguồn gốc xuất xứ và được chế biến với cách tương tự. Những gói kẹo, bánh, thịt bò khô giá rẻ đa số xuất xứ từ Trung Quốc, nếu xem kỹ bao bì, hầu như không có hạn sử dụng hoặc nếu có thì in rất mờ, khó đọc được.
Đây cũng là hình ảnh quen thuộc tại nhiều ngôi trường khác như Trường Tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội), Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội)… Những quán hàng rong bán “tả pí lù” như vậy đã tồn tại trong nhiều năm, lâu dần, chính phụ huynh và nhà trường cũng coi là điều bình thường, dần làm ngơ với tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ.
Hình ảnh trên cũng là cảnh ngộ của rất nhiều học sinh và sinh viên học tại các ngôi trường trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TPHCM. Tuy hàng quán trước cổng trường nhiều nhưng học sinh, sinh viên lại không có nhiều sự lựa chọn. Chưa nói đến nguồn gốc, chỉ nhìn cách chế biến cũng đủ thấy ngán ngẩm. Đến cổng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, 2 bạn sinh viên Hoàng và Quỳnh ghé vào mua bánh mì ăn tạm. Thấy Hoàng đến, cô bán bánh mì đang nặn mụn liền đứng dậy, tay không mang bao, lấy bánh mì, cắt các nguyên liệu chả, thịt, dưa leo, cà chua nhét vô ổ bánh mì. Hoàng hối hận không kịp: “Chẳng lẽ nói không mua nữa sợ bị la. Nhìn dễ sợ quá, ai dám ăn…”.
Tuy chưa nhập học chính thức nhưng khu ăn vặt trước cổng Trường THPT Marie Curie (quận 3) vẫn tấp nập học sinh. Ở cổng trường trên đường Ngô Thời Nhiệm, một xe trà sữa có gần 30 loại thạch khá hấp dẫn các bạn trẻ. Tuy quảng cáo là thạch nhà tự làm nhưng khi được hỏi về cách tạo hình các loại thạch, bà chủ cũng thú thiệt “thạch nhà làm” được mua tại chợ Phú Lâm (quận 6). Nhìn qua bao bì, thạch này có bao bì sơ sài, bảng thành phần không rõ ràng và cũng không có hạn sử dụng.
Yến Anh, học sinh Trường THPT Marie Curie, cho biết: “Ở đây nhiều món ngon, giá cũng bình dân, tụi em hay ăn thịt nướng, phá lấu và bánh gạo. Nhưng một tháng chỉ dám ăn 2 - 3 lần, vì có lần em ăn liền 1 tuần, về nhà bị đau bụng, mẹ em biết được la quá trời, cấm không cho ăn nữa”.
Càng ăn càng sợ
Hầu hết các loại thức ăn hàng rong đều chế biến ngay tại chỗ, đó có thể là ở vỉa hè hoặc một góc lề đường đầy khói bụi của xe cộ đi lại. Quy trình chế biến thiếu vệ sinh cùng với nguồn gốc nguyên liệu không rõ ràng, ẩn chứa những hiểm họa khôn lường tới sức khỏe của trẻ. Sau tiếng trống tan học, chỉ trong chốc lát, các em học sinh đã vây kín các gánh hàng rong. Thậm chí có nhiều phụ huynh cũng chiều theo ý con trẻ, vô tư mua những món quà vặt này mà không hề lo ngại về chất lượng.
Anh Văn Thành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Dù ai cũng biết thức ăn cổng trường mất vệ sinh nhưng trẻ con lại rất thích ăn. Cứ đi học về thấy các bạn ăn quà vặt là cháu lại đòi ra chỗ gánh hàng rong, nào là mua ô mai, rồi nem chua rán, tôi nhìn cũng ngại nhưng không cho mua là cháu khóc, không chịu về. Mấy hôm trước cháu ăn gói kẹo ở cổng trường về bị đau bụng quằn quại, còn bị nôn mửa phải đi cấp cứu, từ bữa ấy là cháu sợ không dám ăn quà vặt nữa”.
Kể về chuyện thỉnh thoảng sợ trễ học nên mới ăn hàng rong bán trước cổng trường, Hoàng (sinh viên ĐH Nguyễn Tất Thành) nói: “Sáng nào dậy sớm, em cũng ráng ăn mì gói hoặc chiên cơm nguội ăn cho đảm bảo. Hôm nào kẹt lắm mới vô trường ăn sáng. Nói thiệt, đồ ăn trước cổng trường thấy ghê, hôm bữa em ăn hộp mì xào 15.000 đồng về trúng thực, mấy ngày mới khỏe. Còn bánh mì ngọt lúc nào mua cũng thấy hạn sử dụng đã hết từ hôm trước. Căn tin trong trường thì vừa mắc lại vừa đông nên càng ngại”.
Dù đã có nhiều đợt ra quân rầm rộ dẹp hàng rong, song với hình thức xử phạt theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” nên hàng rong vẫn còn đất sống!
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hang-rong-cong-truong-so-nhung-van-an-610600.html