Hàng sang Trung Quốc: Tắc 4.600 xe, chỉ 1 cửa khẩu Hữu Nghị mở

Vẫn còn gần 4.600 container nông sản ùn ứ tại Lạng Sơn nhưng chỉ còn cửa khẩu Hữu Nghị hoạt động, cửa khẩu Tân Thanh và Chi Ma đã tạm ngừng.

Tình trạng ùn ứ rất nghiêm trọng

Tại buổi trao đổi thông tin của Bộ NN-PTNT về tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chiều 20/12, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, nhiều ngày nay, nông sản đưa về các cửa khẩu của tỉnh tăng mạnh. Trong khi đó, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vẫn triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống Covid-19, dẫn đến tình trạng ùn ứ nông sản.

Tại khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn còn ùn ứ gần 4.600 xe container chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng chỉ còn cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đang thông quan. Số liệu của Ban quản lý cửa khẩu cho thấy, lượng thông quan xe mỗi ngày ở mức 90-100 xe, bằng khoảng một phần năm so với công suất trước đây.

Còn cửa khẩu Tân Thanh tạm dừng thông quan từ 18/12, cửa khẩu Chi Ma dừng từ ngày 8/12.

Tại Lạng Sơn còn gần 4.600 xe chở nông sản ùn ứ ở cửa khẩu

Tại Lạng Sơn còn gần 4.600 xe chở nông sản ùn ứ ở cửa khẩu

Ông nhận định, nguyên nhân chính khiến hàng hóa xuất khẩu bị ùn ứ tại Lạng Sơn là do lượng phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu lên các cửa khẩu tại Lạng Sơn vượt quá khả năng thông quan tại các cửa khẩu.

Tỉnh đã khuyến cáo tới các địa phương có hàng hóa xuất khẩu về thực trạng này, nhưng chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương, doanh nghiệp để điều tiết hàng hóa xuất khẩu đưa lên biên giới.

Ông Thiệu nhận xét, việc các phương tiện ùn ứ với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh gây áp lực lớn trong công tác quản lý, điều hành; đặc biệt là việc bố trí sinh hoạt cho lái xe và người đi cùng cũng như công tác phòng chống dịch Covid-19. Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ lái xe nội địa vào địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất cao và thực tế đã xảy ra.

Lực lượng chức năng của tỉnh đang tổ chức điều tiết phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, đảm bảo theo thứ tự xe đến trước được xuất trước. Tuy nhiên, sẽ ưu tiên các các mặt hàng hoa quả không bảo quản lạnh như dưa hấu, mít, xoài..., ông cho hay.

Theo ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, quốc gia này nhập nguồn hàng nông sản rất lớn từ Việt Nam. Việc ùn ứ ở quy mô nhỏ hàng năm đều có, nhưng vì dịch Covid-19 nên năm nay phát sinh nghiêm trọng nhất.

Hiện còn khoảng 2.500 xe container ùn ứ tại TP. Bằng Tường, TP. Sùng Tả, khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây. Tổng lượng xe ùn tắc ở hai bên là khoảng 6.000 xe.

Tìm mọi biện pháp để giải phóng hàng ùn ứ

Qua nắm bắt tình hình thực tế, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, một số DN Việt Nam đã không thực hiện nghiêm quy định 5K, khiến lái xe nhiễm Covid-19. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phía Trung Quốc kiểm soát ngặt nghèo hơn.

“Trung Quốc thực hiện kiểm soát rất kỹ, thậm chí kiểm dịch cả hàng hóa. Do đó, tôi rất mong các DN thực hiện nghiêm 5K, tránh gây thiệt hại chung", ông Nam nhấn mạnh.

Trung Quốc tiếp tục duy trì thực hiện chính sách “Zero Covid-19” nên đã siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người, phương tiện và cả bao bì chứa đựng hàng hóa từ những khu vực có chính sách “sống chung với Covid-19”. Trong khi, nhu cầu hàng hóa giao thương giữa Việt - Trung thời điểm cuối năm thường tăng mạnh, dẫn tới tình trạng ứ đọng xe hàng tại các cửa khẩu.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo tìm giải pháp tháo gỡ việc ùn ứ nông sản tại cửa khẩu (ảnh: Nguyễn Giang)

Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo tìm giải pháp tháo gỡ việc ùn ứ nông sản tại cửa khẩu (ảnh: Nguyễn Giang)

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp sẽ trực 24/7 để tìm mọi biện pháp phù hợp, tăng cường giải phóng hàng ùn ứ.

Ông đề nghị Lạng Sơn ứng dụng các công nghệ số, chuyển đổi số để kết nối thông tin hai chiều giữa tỉnh với DN sản xuất tại nhiều địa phương. Đồng thời, mong các địa phương giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị chức năng, như Sở NN-PTNT, Sở Công Thương kết nối với Tổ công tác của Lạng Sơn, để có thông tin kịp thời.

Thời gian tới, Lạng Sơn cần dành thêm quỹ đất, thành lập các bãi đỗ xe, giảm áp lực về lưu lượng xe lên biên giới.

Về phía tỉnh Lạng Sơn, ông Hồ Tiến Thiệu cho hay, tỉnh sẽ tiếp tục đàm phán, kiến nghị với nhà chức trách Trung Quốc triển khai các giải pháp nhằm tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu. Ngoài ra, nâng cao hiệu suất làm việc của các lực lượng chức năng tại các cửa khẩu phía Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm trao đổi với phía Trung Quốc thống nhất phương pháp khử khuẩn, xét nghiệm và kiểm dịch thực vật. Đồng thời, hướng dẫn việc xét nghiệm, khử khuẩn đối với hoa quả, nông sản Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Việt Nam cũng cần sớm ký kết Nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu. Mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Các địa phương cần tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn các vùng sản xuất hàng hóa sản xuất theo nhu cầu, đảm bảo đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu và sớm chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Hơn nữa, cần mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản để bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-4-600-xe-un-u-chi-con-cua-khau-huu-nghi-hoat-dong-802798.html