Muốn tăng GDP có nhất thiết phải tăng trưởng tín dụng cao?

Một trong các động lực của tăng trưởng kinh tế là vốn tín dụng nhưng trong bối cảnh khó khăn, tăng trưởng GDP có nhất thiết phải cần tăng trưởng tín dụng ở mức cao?

Tăng trưởng kinh tế dựa nhiều về vốn tín dụng

Nền kinh tế Việt Nam luôn lọt top các quốc gia tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Thế nhưng lại bị đánh giá là dựa khá nhiều vào tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy kinh tế.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của tăng trưởng tín dụng với nền kinh tế, tuy nhiên tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng không nhất thiết có mối tương quan mật thiết.

Nhìn vào giai đoạn trước năm 2011 và 2014 - 2018, tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao nhưng đôi khi hiệu quả đạt được với tăng trưởng kinh tế lại không cao. Hai yếu tố này có mối tương quan cùng chiều nhưng không tuyến tính mà tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có chất lượng tín dụng, PGS TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM nhận định.

"Những năm mà tăng trưởng tín dụng cao chủ yếu là những năm mà tín dụng bất động sản bùng nổ. Ở những năm này dòng tiền chảy vào các kênh đầu cơ nhiều hơn là vào sản xuất kinh doanh dẫn đến chỉ vài tháng đầu năm, một số ngân hàng đã hết room tín dụng.", ông Huân chỉ ra.

Việc tăng trưởng tín dụng nhờ vào bất động sản sẽ không thực sự bền vững. Năm nay, thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu hồi phục nhưng không bùng nổ như những năm trước đó nên tăng trưởng tín dụng chắc chắn không ở trạng thái cao như vậy được.

Tăng trưởng GDP so với tăng trưởng tín dụng. (Hạ An tổng hợp từ Wichart).

Tăng trưởng GDP so với tăng trưởng tín dụng. (Hạ An tổng hợp từ Wichart).

Bên cạnh đó, tín dụng tăng cao cũng góp phần khiến lạm phát cao. Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính, thời điểm những năm 2006 - 2022, tốc độ vay nợ của Việt Nam gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đều ở mức trên 20%.

Nợ công sau đó tăng vọt lên trên 60%/GDP.Tăng trưởng tín dụng bình quân lên tới hơn 30%, cá biệt có năm trên 50%. Năm 2008 lạm phát vọt lên 23,1%, và năm 2011 lạm phát là 16,8%.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, khi lượng tiền trong nền kinh tế vọt lên nhưng sản lượng hàng hóa không gia tăng tương ứng, dẫn đến giá hàng hóa tăng, tạo ra áp lực lạm phát.

"Khi một lượng tiền rất lớn được bơm ra nền kinh tế nhưng không hiệu quả, lạm phát là hậu quả tất yếu. Điểm khác biệt là tăng trưởng cung tiền trước năm 2013 luôn trên 20%, còn 10 năm qua bình quân dưới 15%", PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay.

Cung tiền là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát phi mã của Việt Nam những năm 2008 - 2011. Đây là lý do khiến giai đoạn sau đó, Ngân hàng Nhà nước phải đặt giới hạn tăng trưởng tín dụng dưới 15%/năm. Song với những khó khăn của nền kinh tế, nhu cầu vay vốn tín dụng năm ngoái và năm nay giảm sút không đạt tới 15%.

Nền kinh tế khó khăn, bên cạnh đó bất động sản - khu vực tăng trưởng tín dụng chính trầm lắng khiến tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm luôn "lẹt đẹt", điều này dẫn đến NHNN phải áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đến từng ngân hàng với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng năm nay so với năm 2023. (Nguồn: NHNN, GSO).

Tăng trưởng tín dụng năm nay so với năm 2023. (Nguồn: NHNN, GSO).

Không nhất thiết tăng trưởng tín dụng đến 15%?

Với năm nay, tính đến cuối tháng 6, tín dụng nền kinh tế đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái. Trong đó, cho vay tiêu dùng đạt hơn ba triệu tỷ đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, hơn 810.000 tỷ đồng đã được bơm thêm vào nền kinh tế.

Tính riêng quý II, nền kinh tế tiếp nhận thêm khoảng 630.000 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với quý I, báo hiệu tín dụng đã tăng tốc tốc kể từ cuối quý II. Chỉ tính riêng tuần cuối tháng 6 (từ 24/6 đến 30/6), dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm hơn 210.000 tỷ đồng.

Nhận định về con số này, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng tăng trưởng tín dụng hiện vẫn đang phù hợp với nền kinh tế

Theo ông, mức tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm không hề thấp so với nhu cầu vốn hay sức hấp thụ của nền kinh tế. Nếu so tháng 6 năm nay so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng tín dụng năm nay đạt khoảng 6%, cao hơn hẳn mức hơn 4% của năm ngoái.

Tín dụng đang tháng sau cao hơn tháng trước, hết 2 tháng tăng trưởng vẫn âm 0,72% nhưng hết 5 tháng đã tăng khoảng 2,4% và hết 6 tháng là 6%. Như vậy cả năm có thể đạt 13 - 14% phù hợp với bối cảnh năm nay, ông Lực dự báo.

Tuy nhiên, TS. Lực cũng nhấn mạnh bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thì song song với đó cần phát triển, lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bởi đây là một kênh dẫn vốn quan trọng, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản.

PGS TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: NVCC).

PGS TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: NVCC).

TS. Nguyễn Hữu Huân thì cho rằng không nên lo lắng về con số tăng trưởng tín dụng đạt thấp mà nên tập trung vào chất lượng tăng trưởng. Tuy rằng, tăng trưởng tín dụng có thể đạt thấp hơn mục tiêu 15% nhưng dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh thì cũng là điều tốt.

"Dù hai triệu tỷ đưa vào nền kinh tế nhưng cũng khó đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng trên 6% mà chỉ khi gia tăng được chất lượng tín dụng thì ngay cả khi tăng trưởng tín dụng khoảng 10-11% cũng có thể giúp tăng trưởng kinh tế đạt đến 6%", ông nói.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay đã có những dấu hiệu tốt, đặc biệt là tháng 5 vừa rồi, Việt Nam nhập siêu lần đầu tiên sau hai năm. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy đơn hàng quay trở lại bởi trong cơ cấu nhập siêu đa phần là nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất.

Việc điều chuyển vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh giúp nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững và ổn định hơn. Như năm ngoái, một phần tăng trưởng tín dụng đến từ nhu cầu đảo nợ của khu vực doanh nghiệp bất động sản dẫn đến tăng trưởng tín dụng hơn 13% nhưng tăng trưởng GDP chỉ hơn 5%.

Chuyên gia cũng lưu ý nếu như muốn tăng trưởng kinh tế nhanh bằng mọi giá thì sẽ phải trả giá cho tương lai. Ví dụ thể tăng trưởng 6 -7% trong giai đoạn này nhưng những năm tiếp theo chỉ tăng trưởng được 4-5%

Giống như giai đoạn trước, 2022 tăng trưởng GDP đạt trên 8% nhưng sang năm 2023 lại rơi xuống chỉ còn hơn 5%. Đó là sự tăng trưởng nhưng không bền vững và mỗi lần nền kinh tế "đi tàu lượng siêu tốc" như vậy có thể ảnh hưởng khá nhiều đến môi trường vĩ mô.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/muon-tang-gdp-co-nhat-thiet-phai-tang-truong-tin-dung-cao.html