Hăng say sự học vùng biên Sơn La

Đã từ lâu việc học tập ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới luôn là nỗi trăn trở của mỗi người làm công tác giáo dục. Làm sao để các em học sinh đến lớp đầy đủ, làm sao để các bậc phụ huynh yên tâm gửi gắm con em mình đến trường đó là bài toán khó luôn cần có lời giải.

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nà Khoang đóng trên địa bàn vùng biên giới của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, học sinh ở đây chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Để cho các em có điều kiện học tập tốt nhất nhà trường đã tổ chức mô hình trường học bán trú cho học sinh. Bữa cơm nóng hổi trong cái giá lạnh vùng cao, cùng với sự ân cần, quan tâm, sẻ chia của các giáo viên nơi đây như tiếp thêm động lực, giúp các em học sinh thêm yêu lớp, mến trường, tích cực rèn luyện, học tập.

Bữa ăn bán trú của các em học sinh vùng cao

Bữa ăn bán trú của các em học sinh vùng cao

Em Lậu Me Va, Lớp 9B, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nà Khoang nói: Em ở bán trú tại trường các bạn trong phòng rất là đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập, các thầy cô luôn quan tâm đến sinh hoạt của chúng em. Em rất thích ở bán trú tại trường.

Em Vì Huy Hoàng, Lớp 9B, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nà Khoang chia sẻ: Nhà em ở bản Huổi Liếng cách trường 10km, em ở bán trú được 4 năm rồi, ở trường thì được ăn uống đầy đủ, bữa cơm rất là ngon chúng em rất yên tâm học tập.

Trường hiện có 33 lớp, 67 cán bộ giáo viên, nhân viên với tổng số 1.080 học sinh trong đó có 423 em được ăn, ở bán trú tại trường. Ngày nào cũng vậy sau mỗi giờ học là các thầy cô lại thay phiên nhau đến từng phòng hướng dẫn các em sinh hoạt, học tập. Đối với các em học sinh thầy cô như những người cha, người mẹ, còn đối với các thầy cô phải làm sao tạo cho các em điều kiện học tập tốt nhất để các em cảm thầy trường học như ngôi nhà thứ 2 của mình.

Một giờ lên lớp của học sinh Trường Tiểu học và THCS Sốp Cộp

Một giờ lên lớp của học sinh Trường Tiểu học và THCS Sốp Cộp

Thầy Trần Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nà Khoang chia sẻ: Đặc thù của học sinh nhà trường cơ bản là dân tộc thiểu số, địa bàn sinh sống cách xa nhau, điều kiện kinh tế của gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhà trường cũng thường xuyên quan tâm đến công tác nấu ăn, quản lý các em trong và ngoài giờ. Trong các buổi tối phân công cán bộ giáo viên trực giúp các em học buổi tối, dọn dẹp vệ sinh. Qua nhiều năm thực hiện việc nấu ăn bán trú thì chất lượng học tập của các em ngày càng được nâng lên.

Một giờ lên lớp của các em học sinh trường Tiểu học và THCS Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La để đổi mới phương pháp dạy và học giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất mỗi thầy cô giáo đã tự đưa ra những phương pháp của riêng mình. Dựa vào điểm mạnh, điểm yếu khả năng tiếp thu của từng học sinh để có những bài học phù hợp với các em. Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được triển khai trong các tiết học tạo sự hứng khởi cho học sinh khi đến trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, Trường Tiểu học và THCS Sốp Cộp nói: Với giáo viên chúng tôi việc đầu tiên khi chúng tôi nhận lớp đó là phải làm quen với học sinh và phân luồng học sinh theo từng nhóm năng lực. Bên cạnh đó thì trong mỗi giờ học tôi cố gắng để làm sao không khí lớp học thật vui vẻ với các em tôi cố gắng truyền đạt cho các em những kiến thức dễ hiểu nhất nhưng đặc biệt những kiến thức liên quan đến thực tiễn thực tế thì tôi gắn những kiến thức đo với thực tiên học sinh để những kiến thức đó đến với các em một cách gần gũi, nhẹ nhàng và các em sẽ nhớ kiến thức được lâu hơn.

Nhờ sự chỉ bảo tận tình của thầy cô cùng với tinh thần hăng say học tập những năm qua trường luôn có nhiều em học sinh đạt thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi do huyện Sốp Cộp và tỉnh Sơn La tổ chức.

Em Phan Thanh Thảo, Lớp 9A, Trường Tiểu học và THCS Sốp Cộp vui mừng nói: Ở trường vào mỗi giờ học, những lúc chúng em không biết làm bài hoặc đạt kết quả kém thầy cô luôn động viên chúng em “ Đừng lo cơ hội rồi sẽ đến thất bại là mẹ của thành công”. Trước sự quan tâm chỉ bảo của thầy cô em hứa sẽ học tập thật tốt ước mơ của em sau này sẽ là một cô giáo có thể dạy bảo các bạn học sinh đưa các bạn đến với tương lai phía trước giúp cho đất nước ngày càng phát triển.

Ngoài giờ học trên lớp thì thư viện là nơi được nhiều học sinh lựa chọn

Ngoài giờ học trên lớp thì thư viện là nơi được nhiều học sinh lựa chọn

Trường Tiểu học và THCS Sốp Cộp hiện có gần 1.500 học sinh trong đó 60% học sinh là dân tộc Thái còn lại là các dân tộc khác như Khơ Mú, Mông, Kháng, Lào… Điều kiện học tập của các em còn nhiều hạn chế, những năm qua nhà trường đã phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, kịp thời động viên, khen thưởng những học sinh có thành tích cao trong học tập. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, tạo điều kiện cho giáo viên tiếp cận với các chương trình giảng dạy mới chính vì vậy thành tích học tập của thầy và trò nhà trường được nâng lên rõ rệt qua tất cả các năm.

Thầy Đào Xuân Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sốp Cộp chia sẻ. Để thực hiện tốt đặc thù học sinh dân tộc nhà trường xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên tâm huyết với nghề, tận tụy với công việc. Đặc biệt là gáo viên chủ nhiệm là phải nắm rõ hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng và phong tục tập quán của các em. Từ đó có phương pháp phối hợp với phụ huynh động viên chia sẻ để các em đến lớp, đến trường. Chúng tôi cũng đã đề ra các phương pháp như đối với các giáo viên đã dạy đủ số tiết chúng tôi vận động các thầy cô dạy tăng thêm các buổi, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh đảm bảo mục tiêu đầu ra theo quy định.

Đằng sau những thành tích học tập của học sinh, là sự nỗ lực, cố gắng của các thầy giáo, cô giáo, với mục tiêu “tất cả vì học sinh thân yêu”, giúp các em có điều kiện học tập tốt nhất. Dù còn nhiều gian khó, nhưng bằng tâm huyết và lòng yêu nghề của mình các thầy cô giáo nơi đây sẽ giúp các em học sinh đến được với bến bờ tri thức mang ánh sáng mới đến với miền biên giới xa xôi.

Nguyễn Vân

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/hang-say-su-hoc-vung-bien-son-la-41656.html