Ngày 11/12, ông Nguyễn Văn Nguyên (sinh năm 1976, trú xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) là chủ hồ nuôi cá chim bị chết hàng loạt, hồ nuôi của anh thuê có diện tích khoảng 36ha (cạnh sông Hộ Độ), chủ yếu nuôi cá chim.
Ông Nguyên cho biết, hồ này được ông thuê và thả 18 vạn cá giống, chi phí 500 triệu đồng, nuôi từ tháng 5. Giai đoạn này, cá sắp đến kỳ thu hoạch để phục vụ thị trường Tết. Cách đây một tuần, cá bỏ ăn. Phát hiện, ông Nguyên cùng nhân công nhanh chóng thu hoạch được 15 tấn mang đi bán rẻ với giá 70.000-80.000/kg, thu về khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Ba ngày nay, cá có hiện tượng da mất sắc tố, da nhợt nhạt, lờ đờ, ngoi lên mặt nước và bắt đầu chết hàng loạt nổi lên mặt hồ. Đến thời điểm này, ước tính tổng số lượng cá chết đã lên đến khoảng 3-5 tấn, trong đó con nhẹ nhất là 500gram, con nặng nhất khoảng 700-900gram. Ước tính tổng thiệt hại kinh tế khoảng 400 triệu đồng.
"Gia đình tôi thiệt hại 400 triệu đồng. Nếu không gặp sự cố, tôi dự kiến thu hoạch 30 tấn cá bán dịp Tết, thu về 4,2 tỷ đồng", ông Nguyên nói.
Theo ghi nhận của phóng viên sáng ngày 11/12, có mặt tại khu vực hồ nuôi có cá chết ở địa bàn xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh), trên mặt hồ rộng hàng chục hecta, có rất nhiều cá chim với đủ kích thước đã chết nổi lềnh bềnh và trôi dạt vào hai bên mép hồ, mép kè đá, ruồi nhặng bám nhiều, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Thời điểm này, các công nhân đang đi thuyền dùng vợt vớt cá chết cho vào các xô, thùng nhựa, sau đó đưa vào bờ tập kết. Số cá chết này được chất đầy lên xe kéo rồi đưa đến khu vực xử lý, tiêu hủy.
Những ngày qua, để đảm bảo vệ sinh môi trường hồ nuôi và môi trường xung quanh khu vực, ông Nguyên đã huy động các công nhân và phương tiện tiến hành vớt, thu gom số lượng cá chết này đem đi xử lý, tiêu hủy. Tuy nhiên, do số lượng cá chết nhiều, diện tích hồ rộng nên vẫn chưa hoàn thành.
Theo ông Nguyên cho biết, qua hỏi một số nơi quen biết ở ngoài miền Bắc thì nhận định nguyên nhân ban đầu khiến cá chết, là do trùng bánh xe và trùng quả dưa ký sinh chủ yếu ở da cá và mang cá. Ngoài ra, do thời tiết thay đổi bất lợi, mưa nhiều quá, khiến nước hồ ngọt hóa làm cho trùng bánh xe và trùng quả dưa phát triển mạnh gây hại cho cá... Đồng thời, chênh lệch thời tiết cao, đêm lạnh, ngày nắng nên sức đề kháng của cá yếu…
Cũng theo anh Nguyên, đây là lần đầu tiên hồ nuôi xảy ra tình trạng cá chết nhiều như vậy. Hiện các công nhân vẫn đang tiếp tục tiến hành thu gom, đưa đi xử lý vừa để đảm bảo vệ sinh môi trường và vừa đảm bảo cho số cá sống còn lại ở dưới hồ. Những ngày qua, cơ quan chức năng cũng đã đến kiểm tra sự việc.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh) cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, đơn vị đã cử cán bộ chuyên môn kiểm tra. Qua đó, đơn vị nhận định do thời tiết, môi trường những ngày qua thay đổi thất thường, kết hợp với một số nguyên nhân khác dẫn đến việc cá chim bị chết.
"Đây là sự cố bình thường do nguyên nhân thời tiết, môi trường. Chủ hồ phát hiện sớm có thể thu hoạch để xuất bán, còn số cá chết cần mang đi tiêu hủy để đảm bảo vệ sinh ao hồ và môi trường", vị này thông tin.
Trần Phong