Hàng Tết dồi dào và nỗi lo thịt lợn
Tết Dương lịch 2020 và Tết Nguyên đán Canh Tý khá gần nhau nên các doanh nghiệp và địa phương đang tích cực chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dồi dào cho dịp này. Riêng thịt lợn và xăng dầu dự báo gặp khó nên Bộ Công thương đã có kế hoạch nhập khẩu các mặt hàng này để bình ổn giá.
Sẵn sàng nguồn cung
Chia sẻ về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho dịp cuối năm, bà Vũ Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, để có nguồn hàng dồi dào và giá cả bình ổn trong các dịp lễ Tết hằng năm, ngay từ tháng 9, tháng 10, các kênh bán lẻ lên kế hoạch dự trữ hàng hóa, thương thảo hợp đồng để có được giá cả tốt trong dịp mua sắm.
“Những năm gần đây, nhìn chung, các kỳ nghỉ lễ, Tết thường dài, người dân có xu hướng đi du lịch nhiều. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa vào dịp lễ Tết thường được doanh nghiệp chuẩn bị tương đối dồi dào, sản lượng và chất lượng tăng nên chỉ cần áp dụng thêm các chương trình bình ổn thị trường là đáp ứng được nhu cầu của người dân”, bà Vũ Thị Hậu cho biết.
Cùng với các kênh bán lẻ, do năm nay đến thời điểm này, nhiều địa phương đã chuẩn bị nguồn hàng hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội, hiện các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết. Ướ́c tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 31,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2019.
Trong đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu – bia – nước giải khát, giò chả, miến… dự kiến sản xuất đưa ra thị trường phục vụ Tết giá trị hàng hóa khoảng 12.200 tỷ đồng; doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 17.900 tỷ đồng; đối với các chợ là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân Thủ đô, dự kiến lượng hàng hóa phục vụ Tết ước đạt khoảng hơn 1.100 tỷ đồng.
Không chỉ chuẩn bị sẵn nguồn hàng, Hà Nội còn sẵn sàng triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, giao thương hàng hóa với các địa phương, bình ổn thị trường nhằm tránh tình trạng sốt giá. Hà Nội cũng sẽ tổ chức các hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, các điểm chợ hoa, cây cảnh phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố... Sở Công thương cũng tham mưu UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản, thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Cũng là một địa phương lớn, có nhu cầu cao về hàng hóa dịp cuối năm, ông Võ Lê Bích Đồng, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Chương trình bình ổn thị trường năm 2019 và Tết Canh Tý năm 2020 sẽ được thành phố triển khai tại hầu tại 2.651 cửa hàng tiện lợi (tăng trên 200 cửa hàng so cuối năm 2018); 4.209 điểm bán hàng thực phẩm bình ổn thị trường (tăng 82 điểm bán so với năm ngoái). Ngành Công thương cũng bảo đảm giá bán hàng bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện theo cơ chế điều chỉnh linh hoạt. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5% đến 10%; các mặt hàng mùa khai trường thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 10% đến 15%; các mặt hàng dược phẩm thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5% đến 10%; riêng các mặt hàng sữa, DN kê khai giá và cam kết bán đúng giá quy định.
Lên phương án nhập thịt lợn và xăng dầu
Năm nay, nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, xăng dầu dự báo gặp khó về nguồn cung. Cụ thể, dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thị trường trong nước. Trong khi đó, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có kế hoạch bảo dưỡng vào cuối năm khiến nguồn cung xăng dầu sụt giảm. Theo đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp ngành xăng dầu phấn đấu hoàn thành kế hoạch, cộng với nhu cầu tăng cao vào dịp lễ, tết, cuối năm nên sản lượng tiêu thụ sẽ tăng.
Đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kịch bản chi tiết cụ thể tình hình sản xuất, dịch bệnh, đánh giá sát từng tháng tình hình cung – cầu và phối hợp Bộ Công thương để có biện pháp bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước; tránh tình trạng tăng giá đột xuất nhóm hàng này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tái đàn ở các khu vực hết dịch. Đồng thời đa dạng hóa nguồn cung các sản phẩm thay thế.
Ông Nguyễn Văn Bình, Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ, Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước chốt ở các điểm kiểm dịch 24/24, tránh tình trạng kinh doanh, vận chuyển lợn bệnh vào tiêu thụ. Đồng thời, vận động các tiểu thương trong chợ ký cam kết không kinh doanh, tiêu thụ lợn bệnh. Trong trường hợp nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu, có kế hoạch nhập khẩu nguồn thịt từ nước ngoài để thay thế.
Về mặt hàng xăng dầu, đại diện Petrolimex cho hay, dù nguồn cung gặp khó khăn nhưng đến nay, Petrolimex đã chuẩn bị các phương án nhập khẩu để bảo đảm đủ nhu cầu xăng dầu trong nước, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Bộ Công thương mới đây đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm scân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, yêu cầu các Sở Công thương địa phương; các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ; các hiệp hội ngành hàng… triển khai kế hoạch ổn định nguồn cung và giá cả thị trường hàng hóa.