Hãng thời trang Pháp lại bị cáo buộc chiếm đoạt văn hóa Trung Quốc
Lần thứ hai trong vòng một tháng, Dior bị cư dân mạng Trung Quốc cáo buộc chiếm đoạt văn hóa.
Dior một lần nữa phải đối mặt với cáo buộc chiếm đoạt văn hóa ở Trung Quốc. Các sản phẩm mùa thu năm 2022 của hãng có họa tiết mà nhà mốt gọi là “Jardin d'Hiver” đã bị cư dân mạng Trung Quốc cho là sao chép phong cách hội họa truyền thống của Trung Quốc.
Theo mô tả của nhà mốt trên trang web chính thức, bộ sưu tập "Jardin d'Hiver" là "thể hiện thơ mộng và kỳ lạ của những bức tranh treo tường của Monsieur Dior”.
Sau vụ tranh cãi gần đây về việc đạo văn hóa váy “mã diện” - váy mặt ngựa truyền thống của Trung Quốc, hãng thời trang Pháp vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức thì một cuộc tranh cãi khác lại dấy lên khiến hình ảnh của Dior bị tổn hại hơn ở quốc gia đông dân này. Dòng Hashtag #NewDiorProductsAllegedlyCopyingChineseFlowerandBirdPatterns vào ngày 4.8 có 3,5 triệu lượt xem trên Weibo. Nhưng tệ hơn thế, những người đã để lại những bình luận tiêu cực và giận dữ dưới các bài đăng mới nhất của Dior trên nền tảng, cũng như Instagram yêu cầu thương hiệu xin lỗi.
Hồi tháng 7, ngay tại cửa hàng của Dior ở Paris, khoảng 50 sinh viên Trung Quốc đã biểu tình với cáo buộc hãng thời trang Pháp chiếm đoạt văn hóa, nhái váy mã diện của người Trung Quốc.
Mặc dù, thời trang lấy cảm hứng từ các nền văn hóa khác là điều bình thường. Trung Quốc có nền văn hóa 5.000 năm. Tuy nhiên, vấn đề mà người tiêu dùng Trung Quốc chỉ trích không phải là Dior đã kết hợp các yếu tố truyền thống của Trung Quốc mà là Dior đã mô tả sản phẩm của mình như một “thiết kế mới” và “mang nét đặc trưng của Dior”, như một ý kiến mà People's Daily đã nêu.
Một số người khác coi vấn đề này là “giao lưu văn hóa” hơn là bắt chước. Họ nói rằng, vấn đề này là một bài học mà người Trung Quốc nên rút kinh nghiệm để trong tương lai nên đầu tư hơn nhiều để quảng bá văn hóa của chính mình.
Dior không phải là một cái tên xa lạ trong việc lấy cảm hứng từ văn hóa Trung Quốc và việc đổi mới trên thị trường. Tuy nhiên, gần đây, hãng liên tục vướng vào tranh cãi ở Trung Quốc và đều liên quan đến văn hóa Trung Quốc.
Hồi tháng 11.2021, tại triển lãm Dior và Nghệ thuật ở Thượng Hại, một bức ảnh người mẫu mắt hí và làn da ngăm đen mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc và cầm túi Dior do nhiếp ảnh gia Trần Mạn chụp đã bị chỉ trích. Khi đó, cộng đồng mạng Trung Quốc cho rằng hãng thời trang Tây phương “miệt thị” phụ nữ nước này.
Sau tranh cãi, Dior đã phải gỡ tấm ảnh khỏi các nền tảng mạng xã hội và không đưa ra bất cứ lời giải thích nào.
Đến tháng 7 và đầu tháng 8, Dior lại tiếp tục bị dân mạng Trung Quốc cáo buộc chiếm đoạt văn hóa liên quan đến các thiết kế mới của hãng.
Cuối cùng, nhiều người cho rằng, những sự cố này có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu tại đại lục. Trên đỉnh cao của “cơn bão”, học cách ứng phó với phản ứng dữ dội và giành lại sự ưu ái của người tiêu dùng bản địa là một thách thức mà tất cả các thương hiệu cao cấp cần chuẩn bị.