Hàng tiêu dùng tăng 'ăn theo' giá xăng

Sau 4 lần điều chỉnh tăng liên tiếp, giá xăng dầu trong nước đã vượt ngưỡng 30.500 đồng/lít kể từ ngày 23/5, khiến cho giá nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng đã tăng 'ăn theo' giá xăng, tác động lớn đến đời sống xã hội. Người tiêu dùng cũng đang phải tìm mọi cách tiết giảm chi tiêu, 'thắt lưng buộc bụng'.

Hình thành mặt bằng giá mới

Giá xăng dầu liên tục tăng đã kéo theo giá của các mặt hàng như đồ ăn, thực phẩm, đồ thiết yếu... cũng tăng theo, tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân cũng như tiểu thương kinh doanh.

Khảo sát tại một số chợ dân sinh, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như chợ Hôm - Đức Viên, chợ Trại Găng, chợ Hàng Bè…, nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng giá từ 10-30% so với thời điểm đầu tháng.

Cụ thể, đối với mặt hàng rau xanh, giá bắp cải trắng tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; cải xanh từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ; cà chua từ 16.000 đồng lên 20.000 đồng/kg. Giá thực phẩm chế biến cũng theo đó mà tăng lên, như giò lụa tăng từ 240.000 đồng lên 260.000 đồng/kg.

Việc giá xăng liên tục tăng trong thời gian gần đây đã khiến các mặt hàng đồng loạt tăng giá.

Tăng giá mạnh nhất trong tuần qua là giá mặt hàng trứng. Tại thị trường Hà Nội giá mỗi hộp trứng gà ta 10 quả là 55.000 đồng, còn gà công nghiệp lên 37.000 đồng. Tại nhiều siêu thị, mặc dù có chương trình khuyến mãi, giá trứng gà vẫn ở mức cao. Nhiều siêu thị còn giới hạn số lượng đối với người mua. Giới kinh doanh cho biết, nguyên nhân khiến giá trứng tăng cao là do chi phí vận chuyển và giá thức ăn chăn nuôi tăng, người nuôi giảm đàn, nguồn cung sụt giảm…

Mặt bằng giá mới đã hình thành là bất khả kháng với cả người kinh doanh và người tiêu dùng. Chị Nguyễn Khánh Linh - Chủ một quán ăn sáng trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay, giá thực phầm thiết yếu đầu vào đều tăng mạnh, từ dầu ăn, gas đến giá trứng, rau củ…; mức giá tăng 20-30% so với đầu năm, buộc cửa hàng phải điều chỉnh giá bán.

“Kể từ đầu tháng 4/2022 đến nay, giá thực phẩm tăng liên tục khiến tôi không thể cầm cự được nữa, phải tăng thêm 5.000 đồng/bát bún, phở để bù giá”- chị Khánh Linh cho biết.

Tương tự, anh Tuấn Anh - Chủ một quán bún bò trên phố Bạch Mai cho biết cũng đã phải tăng từ 5.000-7.000 đồng cho mỗi bát bún bán ra so với đầu năm. Hiện bát bún bò thường tăng từ 35.000 đồng lên 42.000 đồng/bát; bát đặc biệt từ 50.000 đồng lên 55.000 đồng/bát.

“Mức giá này đã tăng khoảng 10-15% so với năm ngoái. Tôi cũng chỉ dám tăng giá so với mặt bằng chung của các hàng quán xung quanh khu vực chứ cũng không dám tăng nhiều” - anh Tuấn Anh cho hay.

Người dân đi chợ đầu mối để tiết kiệm chi phí

Chợ đầu mối là địa điểm thường dành cho những dân buôn lấy hàng. Nhưng với thời buổi khó khăn hiện nay, giá cả tăng cao, thực phẩm ở các chợ lẻ, chợ dân sinh đắt đỏ, người dân cũng đang đổ xô đi chợ đầu mối. Hầu hết các chợ đầu mối tập trung đông đúc nhất từ 2h30 đến 6h sáng hàng ngày.

Chị Liên Hương (cư trú ngõ Hồng Mai, phường Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, từ hơn nửa năm nay người dân ở khu vực ngõ xóm nơi chị sinh sống đã có thói quen đi chợ đầu mối phía Nam (khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để tiết kiệm chi tiêu thay cho việc đi chợ dân sinh gần nhà.

Mặc dù đi chợ đầu mối phía Nam xa nơi ở đến 3-4 km, nhưng bù lại hàng nông sản, thực phẩm ở đây khá phong phú và tươi, giá rẻ hơn từ 10-20% so với giá tại các chợ cóc, chợ tạm.

Dầu ăn, mì tôm, nước mắm tăng giá mạnh

Thời gian qua thị trường ghi nhận mức tăng cao nhất phải kể đến dầu ăn với mức tăng 10-20% tùy loại. Nếu trước tết một chai dầu Neptune loại 1 lít có giá 50.000 đồng thì nay tăng lên 60.000 đồng, dầu Cái Lân từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng/lít, dầu Mezan từ 45.000 đồng/lít lên 55.000 đồng/lít, dầu Simply từ 50.000 đồng/lít lên 60.000 đồng/lít.

Giá mì tôm, nước mắm cũng không ngoại lệ khi đồng loạt "rủ nhau" tăng. Mì Omachi, Kokomi, Ba Miền đều nhích 5.000 - 10.000 đồng/thùng, giá bán theo gói thậm chí còn cao hơn. Nước mắm Nam Ngư từ 40.000 đồng/chai lên 43.000 đồng/chai, Chinsu từ 35.000 đồng/chai lên 40.000 đồng/chai, Đệ Nhị từ 17.000 đồng/chai tăng lên 20.000 đồng/chai. Thậm chí, muối ăn cũng tăng 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước tết.

Chị Liên Hương cho biết thêm, giá mặt hàng cá ở chợ đầu mối rẻ hơn chợ gần nhà từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg; rau, quả rẻ hơn từ 3.000 đồng - 7.000 đồng/kg… Thời buổi phải “thắt lưng buộc bụng” do bão giá hiện nay, tính ra gia đình chị với 7 người cũng tiết kiệm được 60.000 đồng - 70.000 đồng cho 1 ngày đi chợ.

Cùng chung sở thích, bà Nguyễn Thị Minh (cán bộ hưu trí cư trú tại phường Bạch Mai) cho hay đã hình thành thói quen đi chợ đầu mối từ nhiều năm nay. Nhờ dậy sớm tập thể dục mỗi buổi sáng, bà cũng tạo nên thói quen đi chợ sau khi kết thúc buổi tập.

Theo bà Minh tính toán, với mỗi lần đi chợ có thể tiết kiệm được vài chục đến cả trăm nghìn đồng. Gia đình bà có 6 người, vì vậy cần một số lượng thực phẩm tương đối lớn.

“Trước đây, đi chợ dân sinh hoặc siêu thị, mỗi ngày trung bình gia đình tôi tiêu tốn từ 300.000 đồng - 400.000 đồng. Đến nay, đi chợ đầu mối có thể giảm chi từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng so với chợ gần nhà”- bà Minh nói.

Có thể thấy, trong bối cảnh giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh dẫn đến việc giá cả hàng hóa không ngừng tăng, thì việc lựa chọn mua hàng ở chợ đầu mối là cách lâu dài mà người dân chọn để giảm áp lực về tài chính.

Diệu Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hang-tieu-dung-tang-an-theo-gia-xang-106031.html