Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân đắp đê cứu lúa
Sau những cơn mưa lớn kéo dài, mực nước sông Krông Ana dâng cao, tràn vào cánh đồng lúa rộng hơn 1.000 ha sắp thu hoạch của nông dân trên địa bàn hai xã Quảng Điền và Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đác Lắc. Để cứu lúa, trong ba ngày qua hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương ngày đêm ngâm mình trong nước lũ cùng nhau đắp đê cứu lúa sắp thu hoạch.
NDĐT - Sau những cơn mưa lớn kéo dài, mực nước sông Krông Ana dâng cao, tràn vào cánh đồng lúa rộng hơn 1.000 ha sắp thu hoạch của nông dân trên địa bàn hai xã Quảng Điền và Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đác Lắc. Để cứu lúa, trong ba ngày qua hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương ngày đêm ngâm mình trong nước lũ cùng nhau đắp đê cứu lúa sắp thu hoạch.
Ngày 12-8, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và người dân địa phương có mặt trên cánh đồng xã Quảng Điền và Bình Hòa, huyện Krông Ana để đắp, nâng cao những đoạn đê bao Quảng Điền ngăn chặn nước từ sông Krông Ana tràn vào cánh đồng lúa sắp thu hoạch.
Trước tình hình khẩn cấp, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang và người dân đã chia nhau ra từng nhóm để đào đất, chở đất, gia cố lại những điểm đê thấp bị nước tràn. Ngoài việc huy động hàng chục xe công nông, người dân còn dùng cả xe máy để chở các bao tải đất đến đắp đập, ngăn nước tràn vào cánh đồng. Nhiều người dân cả ngày ngâm mình trong nước lũ, khắc phục những điểm bị hư hỏng của đê bao Quảng Điền.
Ở một số vùng trũng trong cánh đồng, mực nước đã dâng lên khoảng 1m. Một số hộ dân vẫn cố gắng gặt lúa chạy ngập, vớt vát lại chút vốn liếng đã bỏ ra.
Chính quyền và người dân địa phương sử dụng máy bơm công suất lớn bơm nước ra ngoài để cứu lúa sắp cho thu hoạch trên cánh đồng xã Quảng Điền, huyện Krông Ana.
Theo người dân địa phương, từ ngày 10-8 đến nay, nước sông Krông Ana dâng cao và tràn qua một số điểm trên mặt đê bao Quảng Điển làm ngập nhiều diện tích lúa sắp cho thu hoạch của người dân. Để cứu lúa, UBND huyện Krông Ana đã cử lực lượng Công an huyện, Ban chỉ huy Quân sự huyện đến hỗ trợ người dân, vận chuyển hàng nghìn bao tải đất để gia cố lại các đoạn đê bị nước tràn. Tuy nhiên, đến ngày 11-8, mực nước sông Krông Ana tiếp tục dâng cao và tràn qua thân đê, gây ngập khoảng 500 ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch của người dân xã Quảng Điền và Bình Hòa.
Nhìn cánh đồng lúa bị ngập chìm trong biển nước, anh Trần Thế Nhân trú tại thôn 3, xã Quảng Điền cho biết: Vào sáng 10-8, nước lũ từ sông Krông Ana đột ngột dâng cao và tràn vào tuyến đê bao dẫn nước tưới cho cánh đồng hơn 1.000 ha lúa của xã. Sau ít giờ, nước bắt đầu tràn qua đê bao rồi đổ xối xả vào cánh đồng lúa đang thì chuẩn bị thu hoạch của người dân. Ngay trong ngày, hàng trăm người dân trong xã đã được huy động tìm cách ngăn nước cứu lúa. Tuy nhiên, do nước đổ về quá nhanh quá nên chỉ trong phút chốc, hàng trăm ha lúa của bà con đã bị ngập chìm trong biển nước, gây thiệt hại nặng nề.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Quảng Điền Võ Vinh, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa, hơn 1.000 ha lúa ở đây sẽ thu hoạch, nếu bị ngập nước sẽ gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Vì vậy, để cứu lúa, ba ngày qua huyện, xã đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các đơn vị lực lượng vũ trang và người không quản ngày đêm ra đồng đắp đê cứu lúa.
Có mặt chỉ đạo và động viên người dân chống lụt cứu lúa, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana Nguyễn Minh Đông cho biết, mấy năm trước, lũ thường đến muộn, khi bà con đã thu hoạch lúa xong. Năm nay, lũ xuất hiện quá sớm, đa số diện tích lúa mới chín được 20 -30%, gây thiệt hại rất lớn cho bà con nông dân.
Trước tình hình lũ dâng cao, UBND huyện tiếp tục động viên, hỗ trợ người dân gia cố thân đê. Đồng thời, người dân cũng sử dụng các máy bơm công suất lớn để bơm nước, chống úng, giải cứu cánh đồng lúa đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Công trình đê bao Quảng Điền có chiều dài hơn 70km, được đầu tư, xây dựng vào năm 2014 với số tiền hơn 312 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm bảo vệ khoảng 2.000 ha lúa và cấp nước tưới cho 1.255 ha lúa nước, biến hơn 3.000 ha đất sản xuất lúa nước một vụ thành hai vụ với năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha/năm, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hơn 1.800 hộ dân với trên 9.000 nhân khẩu trong vùng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, công trình này nhiều đoạn đã bị xuống cấp, hư hỏng , sạt lở nghiêm trọng.