Hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học kể 'Những câu chuyện Đông Dương' tại Đà Lạt

Từ ngày 21 – 25/12, tại Trường Đại học Đà Lạt, Hội thảo quốc tế Kết nối với Việt Nam - Engaging With Vietnam lần thứ 15 diễn ra với chủ đề 'Những câu chuyện Đông Dương: Đối thoại giữa lưu trữ, học thuật, ký ức và tương tác đương đại'.

Nhà khoa học trao tặng sách quý cho Trường Đại học Đà Lạt tại hội thảo

Nhà khoa học trao tặng sách quý cho Trường Đại học Đà Lạt tại hội thảo

Chủ trì hội thảo có GS.TS. Phan Lê Hà - Nhà sáng lập, tổ chức, điều hành Engaging With Vietnam và PGS.TS. Liam C. Kelley – người đồng sáng lập Engaging With Vietnam; cùng TS. Mai Minh Nhật - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt và các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước.

Trong suốt 5 ngày, hội thảo bao gồm 10 phiên và hơn 60 phiên thảo luận, hội đàm, trình bày song song nhằm đem lại những thông tin, góc nhìn đa chiều, những khía cạnh, những di sản văn hóa, những câu chuyện những ký ức trong thời kỳ người Pháp ở Đông Dương và dấu ấn còn lại.

Mở đầu “Câu chuyện Đông Dương” là chuyện kể của TS. Mai Minh Nhật – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt về “Đà Lạt - Từ điểm nghỉ dưỡng vùng cao đến đô thị của khoa học, giáo dục, văn hóa và sáng tạo”. Đó là một câu chuyện dài, đầy đủ, toàn diện về quá trình hình thành, phát triển, trải qua nhiều thăng trầm và định hướng phát triển Thành phố sáng tạo của đô thị Đà Lạt hôm nay.

TS. Mai Minh Nhật - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt mở đầu bằng câu chuyện về Đà Lạt

TS. Mai Minh Nhật - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt mở đầu bằng câu chuyện về Đà Lạt

Tiếp đó, nhiều tham luận đem lại những thông tin và góc nhìn đa chiều qua các câu chuyện: Đông Dương - Văn hóa và tri thức qua chân dung học giả Phạm Huy Thông (1916-1988) và thế hệ cùng thời (GS.TS Phạm Huy Dũng - Đại học Thăng Long, Hà Nội); Tư tưởng canh tân của Hoàng đế Thành Thái trong việc hiện đại hóa đô thị Huế (TS. Trần Đình Hằng – Phân viện Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế); Những cải cách của Hoàng đế Bảo Đại nhìn từ tư liệu lưu trữ (TS. Lê Nam Trung Hiếu - Đại học Duy Tân, Đà Nẵng); Phản ứng của Pháp trước những đề nghị cải cách của Hoàng đế Bảo Đại (TS. Vĩnh Đào - Đại học Paris-Sorbonne, Pháp); Văn hóa in ấn và di sản tư liệu: Lược quan về mộc bản ở Việt Nam (PGS.TS.Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Hán Nôm Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mộc bản Quốc tế); Cải cách khoa cử đầu thế kỷ 20: Vai trò quan trọng ít được biết đến của triều Nguyễn và trí thức người Việt (PGS TS.Liam C. Kelley - Engaging With Vietnam); Phan Khôi - Từ khát vọng canh tân xã hội đến hoạt động văn hóa, văn học (TS.Hoàng Thị Hường - Trường Ngôn ngữ - Xã hội Nhân văn, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng); Ý tưởng học thuật thành lập Trung tâm Giáo dục - Khoa học tại Đà Lạt của trí thức trước 1965 và Công viên Khoa học Đà Lạt thời hiện đại (TS. Nguyễn Cảnh Chương - Trường Đại học Đà Lạt); Hội nghị trù bị Đà Lạt tháng 4/1946 qua biên khảo của Nguyễn Vĩnh Nguyên (Ths. Ngô Thị Thu - Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Đà Lạt); Mỹ thuật Đông Dương nhìn từ tranh người nữ: Dân tộc luận mỹ cảm (TS. Phùng Hà Thanh - ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội); Di sản kiến trúc hiện đại: Phát hiện, định vị và bảo tồn các giá trị (ThS. Lưu Diệu Linh - Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam)…

Trường Đại học Đà Lạt trao thư cảm ơn cho các nhà khoa học

Trường Đại học Đà Lạt trao thư cảm ơn cho các nhà khoa học

Đàm luận các vấn đề: Đông Dương và mối liên hệ với kinh tế di sản và du lịch thời nay; Du lịch Đông Dương xưa; Đông Dương và mối liên hệ với ngoại giao và văn hóa thời nay; Vấn đề ngoại giao Việt-Pháp qua tư liệu mộc bản triều Nguyễn; Sự tiếp nhận văn hóa phương Tây và sự bảo tồn văn hóa bản địa tại Nam Bộ thời thuộc địa - Những mô tả từ “Nam kỳ ngao du" của Leon Werth và bài học cho thời đại toàn cầu hóa; Nghiên cứu văn hiến Hán Nôm tại các kho lưu trữ quốc tế: Giá trị của văn hóa và ngoại giao hôm nay…

Thảo luận về “Những chuyến đi, những con người, những cuộc đời gắn với lịch sử Đông Dương” nhiều vấn đề: Cuộc đời và những đóng góp cho Việt Nam của dịch giả Trần Thiện Đạo (TS. Nguyễn Thụy Phương - Nhà nghiên cứu và chuyên gia nông nghiệp, Pháp); Chất Đông Dương qua “Người tình” của Marguerite Duras (TS. Trần Thị Bảo Giang - Khoa Ngữ văn và Lịch sử, Trường Đại học Đà Lạt); Từ "La belle d'Occident" của nhà văn Huỳnh Thị Bảo Hòa đến nghiên cứu của Nguyễn Phương Ngọc và bộ phim tài liệu cùng tên của nhà làm phim Natacha Cyrulnik (PGS.TS. Nguyễn Phương Ngọc); Suy ngẫm từ cuốn “Xứ Đông Dương” - Hồi ký của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902), Tổng thống Pháp (1931-1932) xuất bản lần đầu năm 1905 được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp L’Indochine Frangcaise (Souvenirs), NXB Thế giới phát hành ra mắt độc giả Việt Nam 3/2016 (TS. Vũ Minh Hoàng, Trường Đại học Fulbright Việt Nam).

Hội thảo là cuộc sinh hoạt học thuật lớn

Hội thảo là cuộc sinh hoạt học thuật lớn

Thảo luận “Cảnh quan Đà Lạt: Giữa hoài niệm và cuộc sống đương đại” cùng các khách mời; Gặp gỡ và giao lưu với tác giả sách "Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại” - Tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy giới thiệu sách cùng quá trình thực hiện tác phẩm; Chính sách giáo dục và ngôn ngữ của chính quyền Đông Dương: Từ tạo chữ viết đến thiết lập nền giáo dục bằng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (TS. Mai Minh Nhật – Trường Đại học Đà Lạt); Phương thức trao quyền ký ức và lưu trữ văn bản viết tay của người Chăm (TS. Phạm Thị Kiều Ly - Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội); Sự khởi đầu của trường sư phạm hiện đại ở Việt Nam: Dư âm Đông Dương qua trường hợp Kênh đào Funan Techo (TS. Nguyễn Kim Dung - Đại học Việt Nhật, ĐHQG Hà Nội); Những câu chuyện Đông Dương qua "Mẫu Thượng ngàn", tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Bản in lần thứ 9 do NXB Phu Nữ Việt Nam xuất bản vào tháng 9 năm 2021 (TS.Vũ Minh Hoàng - Trường Đại học Fulbright Việt Nam); Dấu ấn văn hóa Pháp với sự hình thành bản sắc đô thị Đà Lạt (TS. Phùng Hà Thanh - Trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội)…

Với lượng tri thức đồ sộ được trình bày, tham luận, thảo luận, hội đàm, hội thảo khẳng định đây là cuộc sinh hoạt học thuật lớn của các chuyên gia, nhà khoa học. Qua đó đã trao đổi thông tin nghiên cứu rộng và sâu về lịch sử, văn hóa và nhiều lĩnh vực chuyên biệt khác. Đó sẽ là nền tảng lý luận và thực tiễn cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy có chọn lọc những giá trị thời Pháp thuộc; nhất là với Đà Lạt – nơi mà câu chuyện Đông Dương được bắt đầu ngay từ khi khai sinh ra thành phố và ngày nay vẫn còn lại dấu ấn khá đậm nét.

15 năm qua, Engaging With Vietnam (Kết nối với Việt Nam) đã tổ chức 15 cuộc hội thảo trong và ngoài nước với nhiều vấn đề học thuật thiết thực

15 năm qua, Engaging With Vietnam (Kết nối với Việt Nam) đã tổ chức 15 cuộc hội thảo trong và ngoài nước với nhiều vấn đề học thuật thiết thực

Engaging With Vietnam là tổ chức gắn kết với Việt Nam - Đối thoại liên ngành tập trung vào việc xây dựng kiến thức về Việt Nam. Engaging With Vietnam ra đời vào năm 2009 do Tiến sĩ Phan Lê Hà sáng lập khi đang học tại Đại học Monash (Melbourne Australia). 15 năm qua là 15 cuộc hội thảo có quy mô, tầm cỡ diễn ra tại nhiều thành phố trong và ngoài nước, đã thảo luận nhiều vấn đề mang tính học thuật cao, giá trị ứng dụng thực tiễn lớn

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202412/hang-tram-chuyen-gia-nha-khoa-hoc-ke-nhung-cau-chuyen-dong-duong-tai-da-lat-71f1501/