Hàng trăm công nhân khai thác than đình công gây sức ép lên chính phủ Ba Lan
Các cuộc biểu tình đã diên ra từ đầu tuần này tại mỏ Wujek và kể từ đó lan sang sáu mỏ khác ở trung tâm than Silesia của Ba Lan.
Hàng trăm công nhân khai thác tại 6 mỏ than ở lớn nhất ở Ba Lan đã đình công nhằm gây áp lực lên chính phủ trong việc để đàm phán về các gói hỗ trợ cho ngành công nghiệp khai thác than đang rơi vào khủng hoảng hiện nay do dịch Covid-19.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra từ đầu tuần này tại mỏ Wujek và kể từ đó lan sang 6 mỏ khác ở trung tâm than Silesia của Ba Lan. Đây là khu vực tập trung tất cả các cơ sở thuộc Tập đoàn Khai thác than Ba Lan (PGG) do nhà nước điều hành. Theo ông Tomasz Głogowski, người phát ngôn của PGG, cho biết tính đến chiều 22/9 đã có hơn 100 thợ mỏ tham gia cuộc đình công. Các quan chức cho rằng các cuộc biểu tình dự kiến sẽ lan rộng hơn nữa, đến các khu vực mỏ khác của tập đoàn này. Đơn vị này cũng là nhà sản xuất than cứng lớn nhất ở EU, hiện đang sử dụng khoảng 41.000 lao động.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài sản nhà nước, Jacek Sasin cho rằng hoạt động này hình thức “tống tiền” với nhà nước và cuộc biểu tình đình công như thế này không giúp ích gì trong bối cảnh hiện nay.
Các cuộc biểu tình diễn ra nhằm phản ứng đối với chiến lược về năng lượng của chính phủ Ba Lan trong hai thập kỷ tới. Hiện nay, khoảng 73% sản lượng điện của Ba Lan được cung cấp bởi các nhà máy đốt than, mức cao nhất trong EU. Do đó, Ba Lan hướng tới cắt giảm sự phụ thuộc sản lượng điện từ than đá từ nay cho tới năm 2040 với việc sử dụng năng lượng tái tạo và điện hạt nhân. Theo đó, nước này sẽ triển khai các biện pháp giảm sự phụ thuộc vào than hiện nay xuống mức 56% trong 10 năm tới và 28% trong giai đoạn 10 năm tiếp theo (2040). Tuy nhiên, quyết định này cũng kéo theo bất cập lớn khi hàng trăm nghìn công nhân đang hoạt động trong lĩnh vực này có nguy cơ thất nghiệp và phải đối mặt với nhiều hệ lụy khác.
Trong thời kỳ đại dịch, ngành công nghiệp khai thác của Ba Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề hơn, khi nhu cầu sụt giảm và một số mỏ đã buộc phải đóng cửa do sự bùng phát của dịch Covid-19. Tập đoàn khai thác than (PGG) đã ghi nhận khoản lỗ tương đương gần 123 triệu euro trong nửa đầu năm 2020. Trước đó, cuối tháng 8, chính phủ đã đề xuất rằng PGG có thể nhận được khoản hỗ trợ lên tới 380 triệu euro từ Quỹ Phát triển Ba Lan (PFR) để thực hiện việc tái cơ cấu, tuy nhiên kế hoạch này vẫn chưa được thống nhất./.