Hàng trăm đại biểu dự hội nghị 'Diên Hồng' về văn hóa
Hàng trăm đại biểu tề tựu về hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) hôm nay 24/11 dự hội nghị có tính chất lịch sử. Văn nghệ sỹ kỳ vọng ở Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, một hội nghị 'Diên Hồng' về văn hóa cực kỳ cấp thiết này.
Nhà thơ Vũ Quần Phương:
Lựa chọn nét văn hóa độc đáo
Văn hóa Việt Nam tồn tại bên cạnh các nền văn hóa như Trung Hoa, Ấn Độ cho nên không tránh khỏi sự ảnh hưởng, thế nhưng ngay trong thời phong kiến ông cha ta thoát thai ở một số phong tục, nghi thức. Văn hóa Việt có sự thay đổi, thích nghi, chính là quá trình Việt hóa độc đáo. Một nét văn hóa bản địa rất đặc biệt của nước ta mà tôi quan sát được còn ở khía cạnh người Việt luôn tìm ra những điều vượt quy luật tự nhiên, vượt lên trên những điều bình thường, gỡ cho ta nhiều thế bí. Điều này thể hiện khá rõ trong tư tưởng bài thơ thiền của Mãn Giác Thiền sư, trong đó có câu “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua xuân trước một nhành mai”. Ý nói xuân tàn thì hoa rụng nhưng không rụng hết. Chứng cớ là đêm qua một nhành mai lại nở ở sân chùa. Nhành mai ấy là một ngoại lệ, vượt qua quy luật thông thường. Dám vin vào ngoại lệ để vượt qua giới hạn của chính mình là bản lĩnh của người bé dám thắng kẻ lớn.
“Nực cười châu chấu đá xe Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng”. Tình thế lịch sử buộc ta phải dám thắng Nguyên Mông và các đế quốc lớn xâm lược. Và ta đã thắng. Thắng vì đã dám. Dám vì đã tin vào cái ngoại lệ phi thường nhưng không phi thực. Bài thơ Cáo tật thị chúng này chưa thấy ai nói như tôi. Tôi xin mạo muội để dám thưanhư vậy. Tuy nhiên cái dở của phép ứng xử đừng tưởng ấy chính là đôi khi người ta không nghiêm túc tuân thủ pháp luật. Chính vì thế, những người cầm trịch văn hóa, người lãnh đạo đất nước phải có lựa chọn sáng suốt để dám. Dám làm kinh tế thị trường với lý tưởng XHCN. Văn hóa là truyền thống nhưng luôn có sự tiếp biến, chính vì thế phải chọn lựa và biến hóa. Chọn đúng, ứng xử sáng tạo, dù phép chọn, phép xử ấy chưa từng có, sẽ giúp chúng ta tồn tại, phát triển.
Trong sự phát triển rộng lớn của văn hóa không thể không nhắc tới vai trò của văn chương nghệ thuật. Trong thời kỳ chiến tranh, Đảng, Nhà nước coi văn hóa, nghệ thuật là mặt trận, văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ. Còn bây giờ nhiệm vụ của văn chương hay văn học nghệ thuật nói chung làhoàn thiện nhân cách con người. Văn chương đích thực phải khiến con người ta tốt lên, giàu lòng thương, có trách nhiệm với nhân loại.
NSND Trần Minh Ngọc:
Thiếu vắng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao
Tham dự nhiều hội diễn, liên hoan về sân khấu với vai trò Chủ tịch Ban giám khảo, tôi nhận thấy dù trong bối cảnh COVID-19 khó khăn, nghệ sĩ vẫn nỗ lực cho ra đời các vở diễn, chứng tỏ lòng yêu nghề, đam mê vẫn vẹn nguyên. Tuy nhiên không riêng tôi mà nhiều nghệ sỹ lão thành đều thấy khán giả chưa được tiếp cận với tác phẩm xuất sắc.
Chúng ta vẫn phải chờ tác phẩm đỉnh cao-kết tinh của cả thời đại, giai đoạn lịch sử, cuộc sống chứ không phải muốn là được. Tác phẩm đỉnh cao cần cái nhìn, sự phát hiện, tài năng và bao trùm lên là sự đầu tư, quan tâm và hỗ trợ về tinh thần của nhiều thành phần xã hội. Tham dự nhiều trại sáng tác, tôi biết đội ngũ sáng tác của ta chưa có điều kiện tốt nhất để tìm hiểu cuộc sống, hơn nữa còn có sự tránh né, thờ ơ. Một vài tác phẩm nổi bật lên nhưng chưa thể có đỉnh cao ngay lập tức.
NSND Thanh Hoa:
Báo động về ý thức văn hóa cộng đồng
Văn hóa thể hiện qua tri thức, ý thức của người dân, cách ứng xử của gia đình, làng xóm, cộng đồng với nhau. Hiện nay tôi thấy trống vắng nhất là ý thức văn hóa cộng đồng. Những lễ nghĩa tinh tế, trên dưới nề nếp, tôn sư trọng đạo, tình làng nghĩa xóm… của ông cha ta phải được bảo tồn.
Khi gặp bão lụt, hoạn nạn, vẫn có người đứng ra từ thiện, tình nguyện chia sẻ nhưng chỉ là tức thời. Đó vẫn chỉ là cái ngọn. Người ta cần phải yêu thương nhau từ gốc. Trong xã hội phải có văn hóa, văn minh, ý thức cộng đồng. Trong kinh doanh không giả dối, không lừa lọc hại nhau. Nếu kinh tế phát triển mà không có văn hóa sẽ thành chộp giật và chúng ta tự giết lẫn nhau. Không có ý thức văn hóa cộng đồng, tôi nghĩ làm bất cứ thứ gì cũng thất bại. Nếu có ý thức, có văn hóa, người ta không được quyền lăng nhục xúc phạm người khác trên không gian công cộng. Khi chạy theo trào lưu nói xấu, tung tin đồn thất thiệt về người khác, người đó thể hiện phông văn hóa. Trào lưu rồi sẽ qua đi, nhưng những tổn thương có thể sẽ không bao giờ hàn gắn được.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam:
Không ăn mày dĩ vãng, sáng tạo không ngừng
Sự thay đổi, làm khác bao giờ cũng phải đau đớn, đối diện với những thách thức mới chưa từng có. Có thể 35 năm qua là một sự thuận vòng nhưng đến hôm nay sự thuận vòng đấy không tiếp tục đem lại sự suôn sẻ nối tiếp. Và anh phải chấp nhận thách thức mới, áp lực mới của xã hội đương đại. Tôi tin có sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước bên cạnh việc tiếp tục mở rộng không gian tự do sáng tạo cho nghệ sĩ, tiếp tục chấp nhận mọi khuynh hướng và phong cách sáng tác đa dạng, chính người nghệ sĩ sẽ quyết định khuôn mặt của nền văn hóa nghệ thuật Việt trong những thập kỷ tới.
Để có một nền văn hóa mới thực sự của người Việt, yếu tố con người là quyết định. Tôi cho rằng tâm hồn Việt, nét đẹp Việt, văn hóa Việt cho đến nay vẫn được thế hệ trẻ âm thầm giữ gìn. Giá trị di sản văn hóa truyền lại cho thế hệ sau tiếp tục như ngọn lửa đánh thức tiềm năng sáng tạo của thế kỷ mới, thế hệ mới. Ta phải hiểu sự kế thừa là tiếp tục đóng góp chứ không phải là kéo dài những gì đã là tinh hoa đúc kết “hóa thạch” từ nhiều thế kỷ qua.