Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XVI năm 2024: Thắm tình đoàn kết giữa các dân tộc
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang diễn ra từ ngày 13-16/11/2024 tại huyện Gò Quao là một sự kiện quan trọng nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer.
Gắn kết cộng đồng
Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang diễn ra đúng vào dịp Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer - một trong những lễ hội lớn nhất của người Khmer với ý nghĩa tri ân Mặt Trăng và cầu mong mùa màng bội thu, đời sống sung túc. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu và thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh, giữa đồng bào Khmer với các dân tộc khác, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển và hội nhập như hiện nay.
Tối 13/11, tại Trung tâm Thương mại huyện Gò Quao đã diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan Nghệ thuật truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang.
Ông Nguyễn Văn Mao, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Kiên Giang, cho biết, Liên hoan Nghệ thuật truyền thống Khmer tỉnh Kiên Giang nhằm phát huy nét văn hóa phong phú, độc đáo của đồng bào Khmer; phát huy những tài năng nghệ thuật, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng phong trào văn hóa văn nghệ trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng về vai trò của văn hóa truyền thống trong phát triển kinh tế - xã hội và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Ngày hội năm nay được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, với nhiều hoạt động phần lễ và phần hội sôi nổi, dự kiến thu hút 200.000 - 250.000 người đến dự.
Tại ngày hội, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của người Khmer được tổ chức nhằm giữ gìn và giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc, trong đó, tiêu biểu là Lễ cúng Trăng, diễn ra vào tối ngày 15/11 bên bờ sông Cái Lớn, thị trấn Gò Quao.
Lễ cúng Trăng là một trong những nghi lễ quan trọng, mang đậm nét tín ngưỡng của người Khmer. Lễ cúng được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú như: Trình diễn văn nghệ, tụng kinh cầu an, thực hiện nghi thức cúng trăng và đúc cốm dẹp - một loại bánh truyền thống có ý nghĩa linh thiêng đối với đồng bào dân tộc Khmer.
Đồng thời, Ban Tổ chức còn trưng bày không gian văn hóa Khmer với các gian hàng trưng bày hình ảnh, hiện vật về đời sống, sinh hoạt của đồng bào Khmer; giới thiệu các loại hình nghệ thuật dân ca, dân vũ và dân nhạc. Đây là cơ hội để người dân và du khách có thể hiểu sâu hơn về phong tục tập quán và giá trị văn hóa của người Khmer.
Cùng với đó là hoạt động hội chợ thương mại, giới thiệu sách báo và sản phẩm văn hóa của địa phương, các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Gò Quao và các khu vực khác trong tỉnh, góp phần quảng bá thương hiệu địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
Trong khuôn khổ ngày hội, nhiều hoạt động thể thao được tổ chức nhằm tôn vinh sức mạnh, sự dẻo dai, tinh thần đoàn kết, gắn bó của đồng bào Khmer, trong đó, sôi nổi nhất, thu hút sự quan tâm, cuốn hút đông đảo người dân và du khách nhất đó là Cuộc đua ghe Ngo, diễn ra vào lúc 07 giờ 30 phút, ngày 15/11, trên dòng sông Cái Lớn, thị trấn Gò Quao với sự tham gia của 25-30 đội ghe Ngo đến từ các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh với các nội dung đua ghe Ngo nam với cự ly 800 m và 1.200 m; nam - nữ phối hợp phối hợp với cự ly 800 m và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang. Cuộc thi đua ghe Ngo không chỉ là một môn thể thao mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và tinh thần đồng đội của người Khmer trong lao động và sản xuất.
Ngoài Cuộc thi đua ghe Ngo, ngày hội còn diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi với các giải đấu thể thao truyền thống khác, như: Hội thi giàn thủy lục đẹp có 09 đội tham gia đến từ các huyện Gò Quao, Giồng Riềng, Châu Thành, Hòn Đất và thành phố Rạch Giá (riêng huyện Gò Quao có 06 đội). Mỗi giàn thủy lục tham gia Hội thi giàn thủy lục đẹp được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng. Các giải kéo co, đẩy gậy, bóng đá nam 11 người được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh, gắn kết cộng đồng và thúc đẩy tinh thần thể thao trong đồng bào dân tộc.
Nghệ nhân ưu tú Danh Bê, ngụ ấp Hòa Thiện, xã Định Hòa, chia sẻ: Mỗi dịp đến Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer, bản thân tôi nói riêng, đồng bào dân tộc Khmer trong địa bàn sinh sống rất vui mừng, phấn khởi. Lễ hội được tổ chức là dịp để chúng tôi giao lưu văn hóa, văn nghệ, học hỏi kinh nghiệm trong bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Phát triển du lịch
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Văn Mao, thông qua các hoạt động của ngày hội sẽ góp phần bảo tồn, quảng bá những nét đặc sắc về nghệ thuật của đồng bào Khmer phục vụ khách du lịch tham quan. Đồng thời phát huy nét văn hóa phong phú, độc đáo của đồng bào Khmer và phát huy những tài năng nghệ thuật, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng phong trào văn hóa, văn nghệ của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh.
Ngày hội không chỉ có ý nghĩa văn hóa mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh Kiên Giang. Với sự tham gia của du khách trong và ngoài nước, các hoạt động tại ngày hội là cơ hội để tỉnh Kiên Giang quảng bá hình ảnh, giới thiệu đặc sản và sản phẩm của địa phương. Điều này góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch, nâng cao đời sống của người dân địa phương và thu hút các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ và du lịch.
Một trong những giá trị cốt lõi của Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang đó là khơi dậy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, các dân tộc có cơ hội gặp gỡ, hiểu thêm về nhau, xây dựng tình cảm gắn bó sâu nặng để các dân tộc anh em cùng chung tay phát triển, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, là nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương...