Hàng trăm héc-ta dừa tại ĐBSCL bị sâu đầu đen gây hại

Hàng trăm héc-ta dừa tại ĐBSCL đang bị sâu đầu đen tấn công, khô lá, rụng trái, chết dần. Nông dân trồng dừa đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng, do số lượng cây dừa bị chết lớn, chi phí xử lý sâu đầu đen cao.

Ghi nhận của PV Báo SGGP tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) vào những ngày giữa tháng 8-2024, hàng trăm vườn dừa đang bị khô lá, chết dần. Nguyên nhân do sâu đầu đen tấn công. Ông Nguyễn Văn Thành (huyện Chợ Gạo) cho biết, sâu đầu đen xuất hiện nhiều và tấn công các vườn dừa khoảng 1 tháng nay. “Ban đầu, chỉ có một vài cây non khô đọt, về sau, những cây dừa già cũng khô lá, rụng trái và chết. Gia đình tôi tốn nhiều tiền để mua thuốc phun xịt, làm đủ cách nhưng 2/3 số lượng cây dừa trong vườn đã chết”, ông Thành cho biết.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, diện tích dừa bị sâu đầu đen gây hại trên địa bàn huyện Chợ Gạo đến nay là 220,6ha, trong đó riêng xã Xuân Đông có khoảng 189ha. Đặc biệt, có rất nhiều vườn dừa bị sâu đầu đen ăn khô đọt, không thể phục hồi, phải đốn bỏ hoàn toàn, khiến nông dân mất trắng chi phí đầu tư. Còn tại “thủ phủ dừa” Bến Tre, từ đầu năm 2024 đến nay đã có hơn 592ha dừa bị sâu đầu đen tấn công. Trong đó, 295ha dừa bị thiệt hại ở mức nhẹ, hơn 162ha dừa bị thiệt hại ở mức trung bình, số còn lại bị thiệt hại rất nặng và chết.

 Nhiều vườn dừa ở huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) bị sâu đầu đen gây hại nặng

Nhiều vườn dừa ở huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) bị sâu đầu đen gây hại nặng

Ông Nguyễn Văn Mến, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, trước tình hình trên, ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã phóng thích 135.960.000 ong ký sinh để ngăn sâu đầu đen gây hại dừa. Ngoài ra, địa phương cũng đang phối hợp với nông dân thống kê, rà soát diện tích dừa bị sâu đầu đen gây hại, phân loại mức độ và có biện pháp khắc phục và ngăn chặn thích hợp.

Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết đã khuyến cáo nông dân trồng dừa thường xuyên kiểm tra vườn, kịp thời phát hiện và xử lý khi bị sâu đầu đen tấn công, kịp thời báo chính quyền địa phương hỗ trợ cách xử lý. Tại xã Xuân Đông (nơi có diện dừa bị sâu đầu đen tấn công nhiều), chính quyền địa phương đã tổ chức 15 máy xịt thuốc phòng trừ sâu đầu đen, đồng thời phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo tổ chức thả ong ký sinh, bọ đuôi kìm nhằm tạo thiên địch đối với sâu gây hại trên cây dừa. Hiện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo đang nhân nuôi thả 1.300 mummy (ấu trùng) ong ký sinh bọ cánh cứng tại các vườn dừa trên địa bàn huyện. Ngoài ra, còn thả 1.000 mummy ong ký sinh nhộng sâu đầu đen, thả 19.900 con ong ký sinh sâu đầu đen giai đoạn ấu trùng.

NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hang-tram-hec-ta-dua-tai-dbscl-bi-sau-dau-den-gay-hai-post754684.html