Hàng trăm hecta mía cháy, nông dân điêu đứng

Mới vào đầu mùa khô năm 2023, hàng trăm hecta mía ở Gia Lai bỗng cháy bất thường khiến nhiều nông dân lo lắng.

Theo thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, vụ mía năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã có gần 300 ha mía bị cháy, tăng hơn gấp năm lần so với vụ mía năm 2022. Tình trạng mía bị cháy như hiện nay có dấu hiệu bất thường, quy mô cháy lớn.

Ông Lê Đình Chơn thất thểu ngồi bên rẫy mía cháy. Ảnh: LÊ KIẾN

Ông Lê Đình Chơn thất thểu ngồi bên rẫy mía cháy. Ảnh: LÊ KIẾN

Nghi mía bị đốt

Hơn 11 giờ một ngày giữa tháng 2, khi mặt trời đứng bóng, rẫy mía 4 ha của ông Lê Đình Chơn (xã Phú An, huyện Đắk Pơ, Gia Lai) bỗng khói bốc lên nghi ngút. Ông hớt hải cầm cây đi dập lửa nhưng bất thành.

Ông liền chạy lên đồi cao, rút điện thoại gọi Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực An Khê (thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Gia Lai) cầu cứu. Sau hơn 1 giờ dập lửa, rẫy mía của ông chỉ cứu được một nửa.

Trưa hôm sau, rẫy mía của ông Chơn lại một lần nữa bị “bà hỏa” ghé thăm phần còn lại. Vì cứu mía, ông suýt nằm trọn trong lửa, may mắn ông té xuống mương nên thoát chết. Lần này, lửa còn cháy sang cả rẫy của hàng xóm là anh Phù Chí Linh (ngụ tổ 6, thị xã An Khê).

Nhiều nông dân lo lắng mía cháy sẽ gây thiệt hại nặng. Ảnh: LÊ KIẾN

Nhiều nông dân lo lắng mía cháy sẽ gây thiệt hại nặng. Ảnh: LÊ KIẾN

Lúc này, lực lượng cứu hỏa đang bận chữa cháy ở một vụ cháy khác nên không đến kịp. Thế là cả 4 ha rẫy mía của ông Chơn bị lửa thiêu.

“Mía cháy chắc chắn có người cố ý đốt rẫy. Bà con chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ để người dân khỏi hoang mang”.

Ông Chơn nghẹn ngào: “4 ha mía của tôi cháy hết rồi. Dự tính thu hơn 200 triệu đồng nhưng mía bị cháy như thế này, nếu không cho thu hoạch sớm sẽ thiệt hại 10%-30%”.

Hàng xóm của ông Chơn, anh Phù Chí Linh lòng đau như cắt, bất lực nhìn 2,5 ha mía chờ ngày thu hoạch chìm trong biển lửa.

Nhìn lửa bốc lên ngùn ngụt, mía cháy nổ lép bép trên cánh đồng mía 2,5 ha, hai vợ chồng anh Phù Chí Linh như rụng rời chân tay. “Lửa như thế này vào chỉ có chết, sao dập được. Tôi đã gọi cứu hỏa nhưng họ không đến kịp, đành nhìn mía cháy chứ biết sao. Dự tính thu khoảng 160 triệu đồng, giờ chưa biết thu được bao nhiêu” - anh Linh buồn bã.

Anh Linh bức xúc nói thêm, gia đình anh không có thù hằn gì với ai. Nhưng mía cháy như thế này chắc chắn có người cố ý đốt rẫy. Bà con chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ để dân khỏi hoang mang.

Cách huyện Đắk Pơ khoảng 100 km, vựa mía vùng Phú Thiện cũng rơi vào cảnh tương tự, người dân suốt ngày đi canh, lo mía cháy. Nơi đây đã có hơn 100 ha mía bị lửa thiêu rụi.

Anh Vi Văn Toàn (ngụ xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) chia sẻ: “Gia đình tôi có 1,5 ha mía, mỗi năm cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập chính của cả nhà. Các hộ quanh đây lo sợ lửa cháy đến vườn của mình. Thấy khói bốc lên là ai cũng run sợ”.

Tỉnh đã có văn bản chỉ đạo hỏa tốc khi có thông tin diện tích trồng mía của người dân bị cháy.

Bên cạnh việc tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy, tỉnh yêu cầu các công ty, nhà máy đường trên địa bàn tăng cường công suất, hỗ trợ thu mua mía sớm để giảm thiểu thiệt hại cho người dân.

Ông DƯƠNG MAH TIỆP,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Tăng thu mua, “chạy đua” với lửa

Ông Nguyễn Hữu Cường, phó thôn An Phong (xã Phú An, huyện Đắk Pơ), chia sẻ: “Mía cháy như thế này dân xót xa lắm. Chúng tôi lo dân tiếc của lao vô dập lửa nguy hiểm tính mạng nên tuyên truyền, thà mất của chứ không để mất người. Chỉ mong nhà máy thu mua sớm”.

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, đơn vị phụ trách vùng nguyên liệu năm huyện phía đông bắc tỉnh Gia Lai, cho biết: “Để giảm bớt thiệt hại cho các hộ dân có mía bị cháy, trong vòng hai ngày phải tiến hành thu hoạch hết cho người dân. Đến nay, vùng nguyên liệu có 25.000 ha đã thu hoạch được khoảng 45%, riêng vùng nắng nóng nhất là huyện Kông Chro thu hoạch hơn 70%”.

Ông Phước cho hay sản lượng mía năm nay đạt khoảng 70 tấn/ha, cao hơn 4 tấn/ha so với năm 2022. Giá mua hiện tại hơn 1 triệu đồng/tấn, người dân sẽ thu lãi khoảng 25-30 triệu đồng/ha. Trường hợp mía bị cháy sẽ bị trừ tạp chất 5%.

Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện, cho biết: Để giảm thiểu rủi ro, đơn vị đã khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh. Đồng thời, làm việc với nhà máy đường, đề nghị có kế hoạch thu hoạch sớm giúp người dân.

“Trước tình hình mía cháy, nhà máy lên kế hoạch thu mua sớm. Riêng những thông tin về giá thu mua giảm 50% khi mía cháy là không chính xác. Công ty chỉ giảm khoảng 50.000 đồng/tấn đối với mía bị cháy. Đồng thời, đảm bảo thu mua toàn bộ diện tích mía trong vùng nguyên liệu và phấn đấu kết thúc vụ ép trước ngày 30-4” - bà Vũ Thị Lan, Giám đốc Nhà máy đường Thành Thành Công Gia Lai, nói.

Một cán bộ quản lý việc thu mua mía (thuộc Nhà máy đường An Khê, ở huyện Đắk Pơ) cho biết: Tình hình mía cháy hàng loạt cũng không loại trừ khả năng chủ vườn tự đốt để được nhà máy thu mua mía sớm. Vì vậy, mong cơ quan chức năng làm rõ hành vi phá hoại, gây mất an ninh trật tự.•

Ưu tiên thu mua diện tích mía bị cháy

UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã có sản xuất mía đường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống cháy mía trong mùa khô. Việc đốt, dọn rẫy mía sau thu hoạch phải tuân thủ quy trình, tránh lây lan những hộ liền kề.

Yêu cầu các địa phương phổ biến về các hành vi đốt mía, phá hoại sản xuất là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự. Đồng thời chỉ đạo lực lượng công an tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân cháy và xử lý theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các công ty, nhà máy đường trên địa bàn tỉnh ưu tiên thu mua sớm nhất diện tích mía bị cháy và hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với nông dân.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/hang-tram-hecta-mia-chay-nong-dan-dieu-dung-post720394.html