Hàng trăm hộ dân phải mua nước giếng khoan tanh chua giá cao

Nằm giáp ranh với trung tâm huyện lỵ, nhưng người dân xã Xuân Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn phải mua nước giếng khoan không qua xử lý.

Nước sạch mà không sạch

Nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân ở xã Xuân Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) hết sức bức xúc về việc nguồn nước sinh hoạt (nước sạch) không đảm bảo chất lượng. Sau khi xả vào bể vài ngày thì nước ngả màu vàng, có vị chua, mùi tanh, đọng lại một lớp cặn dày dưới đáy bể.

 Hình ảnh và thông tin nước bị ngả màu, vị chua, mùi hôi tanh được người dân đăng tải trên mạng xã hội

Hình ảnh và thông tin nước bị ngả màu, vị chua, mùi hôi tanh được người dân đăng tải trên mạng xã hội

Trao đổi với PV VietNamNet, bà N.T.T (SN 1970, thôn Dư Nại) cho biết, do khan hiếm nguồn nước nên nhà nào cũng phải xây bể đựng nước mưa để ăn uống, sinh hoạt. Nước giếng đào nhiễm mặn nên chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh, nhưng vẫn bị thiếu về mùa khô. Năm 2019, doanh nghiệp tư nhân Anh Nga đứng ra cung ứng nước sạch nên mọi người đều phấn khởi hưởng ứng.

“Để có nước sạch, mỗi hộ dân phải nộp 2 triệu đồng để xây dựng hệ thống đường ống. Khi sử dụng, mỗi m3 nước có giá 10.000 đồng. Do cam kết là nước sạch nên dù có đắt hơn so với mặt bằng thì chúng tôi vẫn chấp nhận”, bà T. nói.

Cũng theo bà T., khoảng 2 năm đầu nguồn nước đảm bảo chất lượng, nhiều hộ dân yên tâm nên đã lấp bỏ giếng đào. Tuy nhiên, khoảng 6 tháng nay, nguồn nước này bị ngả màu vàng, mùi tanh, có vị chua. Đặc biệt, vào mùa đông, nếu tắm qua bình nóng lạnh thì mùi bốc lên nồng nặc.

Chị P.T.N (SN 1985) bày tỏ: “Nếu nước ăn được thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận, đằng này nước có mùi hôi tanh, vị chua, có lớp màng nổi lên, chỉ dùng phục vụ tự hoại nên thu 5.000 đồng/m3 là vừa. Ở thành phố, thị xã, giá nước sạch chỉ trên 7.000 đồng/m3, trong khi ở đây nước không sạch, mà lại thu 10.000 đồng thì quá đắt”.

“Thời gian qua gia đình tôi sử dụng hết 180.000 đồng. Khi tôi đề xuất nộp 100.000 đồng, ban đầu họ chấp thuận nhưng sau đó lại đổi ý rồi tiến hành cắt nước, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị đảo lộn”, chị N. thông tin.

Doanh nghiệp tư nhân Anh Nga sử dụng 8 giếng khoan để lấy nước ngầm cấp cho người dân.

Doanh nghiệp tư nhân Anh Nga sử dụng 8 giếng khoan để lấy nước ngầm cấp cho người dân.

Anh N.T (SN 1986) bức xúc, anh đã phản ánh tình trạng nước chua và không đảm bảo chất lượng nhưng giám đốc công ty cấp nước trả lời rất thiếu trách nhiệm. "Nếu cắt nước của dân thì yêu cầu công ty trả lại tiền đường ống cho chúng tôi”, anh T. thẳng thắn.

Người dân xã Xuân Lộc hết sức lo lắng cho hàng trăm học sinh bán trú tại các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn. Các cháu phải sử dụng nguồn nước này để ăn uống thì rất nguy hiểm. Hơn nữa bể chứa nước của công ty được đặt trên núi, không có nắp đậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không an toàn.

Chưa có thủ tục pháp lý

Tiếp cận khu vực khai thác nước và quy trình xử lý nước của Doanh nghiệp tư nhân Anh Nga thì thấy có 8 giếng khoan nằm ngay chân núi Long Tương thuộc thôn Ban Long (xã Quang Lộc). Ở trên núi cao, cách mặt đất khoảng 50m có 9 bể chứa hình tròn, đường kính 2m, cao khoảng 2m và 1 bể hình chữ nhật. Nước từ giếng khoan được bơm lên bể rồi tự chảy về các thôn xóm mà không qua hệ thống xử lý.

Nước được bơm lên bể nhưng không qua xử lý. Bể chứa được đặt trên núi, không có nắp đậy, không có hệ thống bảo vệ nên thiếu an toàn (Ảnh: Trần Hoàn)

Nước được bơm lên bể nhưng không qua xử lý. Bể chứa được đặt trên núi, không có nắp đậy, không có hệ thống bảo vệ nên thiếu an toàn (Ảnh: Trần Hoàn)

Trao đổi với PV, ông Đậu Viết Anh (SN 1952, giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Anh Nga) thông tin, từ cuối năm 2022, có thể do biến động trong lòng đất nên nguồn nước bị chua, nhiễm sắt phèn.

“Nước này chưa đạt tiêu chuẩn của nước sạch, chỉ dùng để sinh hoạt như tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh, còn ăn uống thì phải dùng nước tinh khiết. Gia đình tôi cũng dùng nước này nhưng phải qua máy lọc, còn nước nguyên bản thì có độ chua, khó dùng”, ông Anh khẳng định.

Nói về quy trình xử lý, giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Anh Nga cho biết, sau khi bơm lên các bể chứa rồi cấp nước thô cho các hộ dân mà không qua xử lý. Vì mỗi ngày cấp trên 300m3 nước cho hơn 600 hộ dân nên nếu qua bể lọc thì sẽ chậm, không kịp và không đủ nước. Ông Đậu Viết Anh cũng thừa nhận, hiện chưa có hồ sơ thủ tục pháp lý theo quy định.

Lý giải về giá nước tại đây cao hơn so với mặt bằng trong toàn tỉnh, ông Đậu Viết Anh cho rằng, do sử dụng 8 máy nhỏ, công suất 8m3/giờ, khi đẩy lên cao, mỗi giờ chỉ được 2m3 nước. Lượng điện tiêu hao lớn, chi phí nhiều nên giá cao hơn, nhưng chỉ tính một giá, dùng bao nhiêu cũng chỉ 10.000 đồng/m3.

Theo ông Thái Đăng Định, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc, địa phương khan hiếm nước, giếng khoan bị phèn, không sử dụng ăn uống được. Từ khi được doanh nghiệp Anh Nga đứng ra cấp nước sạch, cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, gần đây nước kém chất lượng, bơm về 2 ngày là chuyển màu.

Người dân cho rằng, nước ở đây không sạch mà thu 10.000 đồng là quá đắt (Ảnh: Trần Hoàn)

Người dân cho rằng, nước ở đây không sạch mà thu 10.000 đồng là quá đắt (Ảnh: Trần Hoàn)

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Thái Đăng Định nhận định, do lượng khách hàng đông, khai thác quá mạnh, nguồn nước ngầm tại chỗ không đủ, phải rút từ nơi khác về khiến chất lượng bị ảnh hưởng.

Phó Chủ tịch xã Xuân Lộc cho biết, sẽ làm việc với bên cấp nước, yêu cầu bổ sung hệ thống lọc, phải qua xử lý rồi mới được cung cấp cho người dân.

Trần Hoàn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hang-tram-ho-dan-phai-mua-nuoc-gieng-khoan-tanh-chua-gia-cao-2154436.html