Hàng trăm học sinh Nghệ An không thể đến lớp sau khai giảng
Dù tiếng trống khai trường đã điểm nhưng hàng trăm học sinh tại Nghệ An vẫn chưa thể đến lớp khi phụ huynh một mực phản đối việc sáp nhập trường.
Sáng 7/9, hàng trăm người dân bản địa tại xã Lạng Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) vẫn không cho con đi học, tiếp tục tập trung để phản đối việc việc sáp nhập Trường THCS Lạng Sơn với Trường THCS Khai Sơn thành trường THCS Khai Lạng (đóng tại xã Khai Sơn).
Người dân địa phương cho biết, họ phản đối việc sáp nhập ngay từ lúc nhận được thông báo nguyên nhân là do học sinh ở xã Lạng Sơn phải đi học xa hơn nhiều km, tiềm ẩn nguy hiểm trong quá trình di chuyển. Ngay sau lễ khai giảng hôm 5/9, nhiều phụ huynh không cho con em họ đến lớp để thể hiện sự phản đối.
"Việc sáp nhập được thực hiện mà chưa thông qua ý kiến rộng rãi của người dân. Xã Lạng Sơn vốn có truyền thống hiếu học, sáp nhập trường sang xã khác sẽ làm mai một đi truyền thống địa phương, và xã sẽ mất trường THCS" - một người dân băn khoăn.
Theo người dân, phương án sáp nhập trường tiểu học và THCS trên cùng một địa bàn là phù hợp hơn.
Trước tình hình đó, sáng 7/9 Trường THCS Lạng Sơn mở cửa nhưng thưa vắng học sinh. Cả trường hôm nay chỉ có 11/154 em đến lớp.
Phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn cho hay Đề án sáp nhập trường lớp đối với cấp THCS Lạng Sơn và THCS Khai Sơn thành Trường THCS Khai Lạng (đóng trên địa bàn xã Khai Sơn) đã được UBND địa phương này chấp thuận và thực hiện từ năm học 2018 - 2019. Điểm trường mới cách Trường THCS Lạng Sơn cũ 4,7km.
Học sinh khối 9 ở xã Lạng Sơn cũng được chuyển ra trường mới là THCS Khai Lạng, học ổn định từ năm 2018 đến nay. Sau khi phụ huynh có nhiều ý kiến không đồng tình, tháng 7/2021, UBND huyện Anh Sơn tạm dừng đề án sáp nhập, cho học sinh các khối 6, 7, 8 của xã Lạng Sơn học ở điểm trường cũ.
Trả lời Gia đình Việt Nam trưa 7/9, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn, ông Đoàn Văn Thanh nói, đề án sáp nhập Trường THCS Khai Sơn và Trường THCS Lạng Sơn xuất phát từ thực tế quy mô trường lớp, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp của huyện.
Theo lộ trình, đầu năm học này, toàn bộ khối 6, 7, 8 sẽ được chuyển về trường mới. Rất nhiều phụ huynh sau đó phản đối khi cho rằng cơ sở vật chất của trường mới chưa đảm bảo cho toàn bộ học sinh của 2 xã, học sinh di chuyển gian nan hơn vì khoảng cách xa, có điểm cách trường đến hơn 8 km.
"Việc phụ huynh ngăn không cho con em đến trường đã ảnh hưởng đến quyền học tập của các em. Hiện, ngành giáo dục đang phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động phụ huynh để nhanh chóng tháo gỡ nút thắt” - ông Thanh cho hay.
Trong lúc chờ đợi người dân và chính quyền sở tại tìm được tiếng nói chung, hàng trăm học sinh địa phương vẫn chưa thể tới lớp, dù tiếng trống khai trường đã điểm.