Hàng trăm khách quốc tế thích thú trải nghiệm nét văn hóa Tết Việt tại làng cổ Đường Lâm
Ngày 14/1, tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), hàng trăm khách nước ngoài và người dân Thủ đô đã được trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc sắc như gói bánh chưng, viết thư pháp, thả cá chép... trong chương trình 'Tết làng Việt' 2023.
Chương trình do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây và các đơn vị có liên quan tổ chức, tiếp nối thành công của Chương trình năm 2022 với chủ đề “Tết xứ Đoài” từng tạo được ấn tượng tốt đẹp.
"Tết làng Việt" 2023 thu hút 150 đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, công ty du lịch và sinh viên quốc tế đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, cùng sự tham gia của đông đảo người dân Thủ đô đến trải nghiệm Tết cổ truyền.
Đây là cơ hội tốt để giới thiệu giá trị Tết truyền thống cổ truyền của dân tộc, quảng bá đất nước, con người Việt Nam đến đông đảo bạn bè quốc tế, hướng tới xây dựng thành sự kiện thường niên của thị xã Sơn Tây tại Làng cổ Đường Lâm, là điểm đến của du khách vào dịp Tết, qua đó góp phần thúc đẩy quảng bá du lịch Sơn Tây nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung.
Khởi đầu hành trình khám phá "Tết làng Việt" 2023, đại sứ ngoại giao các nước, tổ chức quốc tế và du khách có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của người Việt, trong không gian Chợ Tết truyền thống tại sân đình Mông Phụ.
Tại đây, các sản phẩm đặc sản, sản phẩm thủ công, làng nghề của địa phương được giới thiệu đến bạn bè bốn phương. Những nét độc đáo của Tết Việt ở làng cổ Đường Lâm như: ông đồ viết thư pháp, biểu diễn nghệ thuật nhạc cụ dân tộc, trải nghiệm làm bánh chưng, bánh tẻ, các loại kẹo, làm diều sáo, nặn tò he, tách củ hoa thủy tiên…được các nghệ nhân giới thiệu đến từng du khách.
Tiếp tục hành trình khám phá “Tết làng Việt” 2023, du khách được giới thiệu các phong tục truyền thống trong dịp Tếttại không gian nhà cổ và ao cổ ở Đường Lâm. Nhiều phong tục truyền thống như: lễ giao thừa, mừng tuổi đầu năm, thả cá chép… đã tạo hứng thú đặc biệt với bạn bè quốc tế.
Không dừng lại ở đó, du khách còn đắm chìm trong không gian của ẩm thực Tết, được thưởng thức những món ăn truyền thống của người dân Đường Lâm như: ăn các loại kẹo, bánh truyền thống cùng với hương vị của nước chè xanh; thưởng thức các món ăn đặc trưng trong mâm cỗ ngày Tết như: bánh chưng, thịt gà mía, thịt quay giòn, canh măng, giò lụa, thịt đông, dưa hành, nem rán, rượu mật ong. Ngoài ra, còn có các loại bánh truyền thống như bánh tẻ, bánh đúc.
Điều khiến du khách hứng thú hơn cả là được trải nghiệm các sản phẩm thủ công tại xưởng sản xuất sản phẩm sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ở Làng cổ Đường Lâm.
Dấu ấn đặc biệt của du khách trong hành trình khám phá “Tết làng Việt” 2023là được giới thiệu, trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống tại khu vực đình làng và cổng làng Mông Phụ. Được tham gia các trò chơi như bắt vịt, chọi gà, bắt chạch trong chum, bịt mắt đập niêu…là trải nghiệm khó quên đối với du khách và bạn bè quốc tế.
Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho biết, đây là năm thứ 2 thị xã tổ chức chương trình Tết làng Việt, mong mọi du khách có những trải nghiệm thú vị tại Đường Lâm, cảm nhận được những nét văn hóa đặc sắc trong những ngày Tết truyền thống của người Việt Nam.
"Thông qua sự kiện, chúng tôi mong muốn tiếp tục bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá du lịch Đường Lâm nói riêng và Hà Nội, Việt Nam nói chung đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế”, ông Tuấn khẳng định.
Theo đại diện lãnh đạo HPA, chương trình “Tết làng Việt” 2023 là sự kiện mang nét văn hóa truyền thống đặc sắc, có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá giá trị văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế và giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giới thiệu du lịch Làng cổ Đường Lâm, giới thiệu các đặc sản địa phương, quảng bá điểm đến du lịch đến người dân và du khách, đặc biệt là người nước ngoài đang sinh sống tại Hà Nội.
Một số hình ảnh tại chương trình “Tết làng Việt” 2023 ở làng cổ Đường Lâm: