Hàng trăm ngàn người Đông Nam Á được tuyển dụng để... đi lừa đảo người khác
Họ là những người được tuyển dụng để đi lừa đảo tình cảm, lừa đảo tiền điện tử, rửa tiền và đánh bạc bất hợp pháp.
Các chuyên gia tại Kaspersky nhận định, phong trào chuyển đổi số mạnh mẽ và những xung đột địa chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) là yếu tố tác động đến bối cảnh mối đe dọa an ninh mạng tại APAC năm 2024. Mối nguy hiểm của tấn công giả mạo, hành vi lừa đảo, rò rỉ dữ liệu và các cuộc tấn công mạng có động cơ địa chính trị sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tổ chức và cá nhân trong khu vực.
Lừa đảo qua mạng là vấn nạn lớn ở khu vực Đông Nam Á. (Ảnh minh họa)
Ông Vitaly Kamluk - Giám đốc Nhóm Nghiên cứu và Phân tích toàn cầu (GReAT) khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Kaspersky nhận định: Nền kinh tế kỹ thuật số của châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân và dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong 5 năm tới. Với những nỗ lực số hóa, bao gồm áp dụng công nghệ thanh toán kỹ thuật số, siêu ứng dụng, IoT, thành phố thông minh và giờ đây là trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng sẽ là chìa khóa đảm bảo khả năng phục hồi hệ thống phòng thủ chung của khu vực trước khả năng gây thiệt hại của các cuộc tấn công mạng.
“Khi nói đến các cuộc tấn công chủ đích (APTs), chúng tôi nhận thấy rằng hoạt động gián điệp mạng vẫn là mục tiêu chính ở các nước châu Á trong khu vực, và xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2024 do những căng thẳng địa chính trị hiện có”, ông Vitaly Kamluk tiết lộ.
Các nhà nghiên cứu GReAT của Kaspersky cũng đã xác định các dự đoán về mối đe dọa mạng vào năm 2024 đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ quan trọng ở APAC, trong đó có Đông Nam Á (Singapore, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Indonesia).
Cụ thể, tại Đông Nam Á, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hàng trăm ngàn người từ Đông Nam Á (SEA) đã được tuyển dụng để tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến như lừa đảo tình cảm, lừa đảo tiền điện tử, rửa tiền và đánh bạc bất hợp pháp.
“Cơ quan Thực thi Pháp luật đang xử lý nhiều trường hợp liên quan đến các cuộc tấn công giả mạo, lừa đảo. Và chúng tôi đã thấy sự thành công vào năm 2023, chẳng hạn như Cảnh sát Liên bang Úc (AFP), Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) và Cảnh sát Malaysia đã hợp tác bắt giữ 8 cá nhân đứng sau một tổ chức thực hiện chiến dịch lừa đảo trực tuyến dưới dạng dịch vụ”, ông Vitaly Kamluk cho biết.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng quy mô của các cuộc tấn công lừa đảo và lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới do thiếu kiến thức về kỹ thuật và pháp lý liên quan đến các cuộc tấn công như vậy, từ nhà điều hành đến nạn nhân”, ông đánh giá thêm.