Hàng trăm nghìn ô tô trốn truyền dữ liệu giám sát: Chế tài xử lý đã có vì sao vi phạm vẫn tràn lan?

Qua hậu kiểm, những tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có đến gần 600.000 lượt phương tiện không truyền dữ liệu giám sát hành trình theo quy định.

Trung bình một tháng có 600.000 ô tô trốn truyền dữ liệu

Theo quy định, toàn bộ ô tô kinh doanh vận tải khách và hàng hóa phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và truyền dữ liệu về Trung tâm của Tổng cục Đường bộ.

Tuy vậy, qua hậu kiểm, những tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng có đến gần 600.000 lượt phương tiện không truyền dữ liệu giám sát hành trình theo quy định.

Tình trạng này không phải mới xảy ra, mà thời gian qua, tình trạng ô tô trốn truyền dữ liệu giám sát theo quy định đã xảy ra, tuy vậy chưa có giải pháp triệt để để xử lý tình trạng này. Nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra, sau đó mới biết, ô tô trốn truyền dữ liệu lái xe ngắt kết nối dữ liệu khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn.

Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, qua khai thác dữ liệu (từ tháng 10/2020 đến hết tháng 1/2021) trên hệ thống thông tin, khai thác và sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, riêng trên địa bàn Hà Nội (xe vận tải đăng ký với Sở GTVT Hà Nội), trung bình 1 tháng có xấp xỉ 70.000 phương tiện trốn truyền dữ liệu GSHT.

Lực lượng thanh tra GTVT kiểm tra hành chính đối với các phương tiện chở khách

Lực lượng thanh tra GTVT kiểm tra hành chính đối với các phương tiện chở khách

Không chỉ riêng Hà Nội, theo thống kê từ Tổng Cục đường bộ Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2021, trên cả nước có hơn 600.000 xe không truyền dữ liệu GSHT về Tổng cục.

Nhiều địa phương có số xe vi phạm không truyền dữ liệu lên tới con số hơn chục nghìn như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Tiền Giang…

Dữ liệu GSHT được xem là “mắt thần”, là công cụ để doanh nghiệp vận tải và cơ quan chức năng giám sát hoạt động trên đường của lái xe như chạy quá tốc độ, chạy sai hành trình, không tuân thủ quy định về giờ lái xe liên tục…

Song, thời gian gần đây, doanh nghiệp vận tải đã buông lỏng quản lý việc này dù nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT rất lớn. Đáng nói, tình trạng này diễn ra và ngày càng nghiêm trọng hơn là do sự xử lý của cơ quan chức năng vẫn chưa nghiêm, chưa rốt ráo dẫn tới việc lái xe cũng xem nhẹ mà doanh nghiệp thì ngó lơ.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị này vừa ban hành kế hoạch cao điểm kiểm tra, theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị GSHT.

Theo đó, kế hoạch sẽ được thực hiện từ ngày 15/4 đến 15/7, đối tượng kiểm tra là toàn bộ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa trên phạm vi toàn quốc.

Chế tài đã đầy đủ, vì sao không xử lý được?

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thừa nhận, gần đây liên tục xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải, làm chết và bị thương nhiều người.

Mặc dù đã nhiều lần chỉ đạo các Sở GTVT, các đơn vị kinh doanh vận tải theo dõi, chấn chỉnh và xử lý vi phạm thông qua thiết bị GSHT nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động vận tải, góp phần ngăn chặn và giảm thiểu TNGT.

Nhưng qua theo dõi trên hệ thống xử lý dữ liệu từ thiết bị GSHT vẫn còn nhiều phương tiện không truyền dữ liệu theo quy định.

Được biết, mức xử phạt đối với những vi phạm liên quan đến việc lắp đặt và sử dụng dữ liệu thiết bị GSHT được quy định rõ tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, Khoản 6 Điều 23 quy định rõ phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách có gắn thiết bị giám sát hành trình của xe nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Tại Khoản 6 Điều 28 về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định rõ, phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải nếu: Sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (đối với hình thức kinh doanh vận tải có quy định phương tiện phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động, không đúng quy chuẩn theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô;

Không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định; không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào phần mềm xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các xe ô tô thuộc đơn vị cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hang-tram-nghin-o-to-tron-truyen-du-lieu-giam-sat-che-tai-xu-ly-da-co-vi-sao-vi-pham-van-tran-lan-post462578.antd