Hàng trăm người 'tí hon' không được phát hiện sớm
Người 'tí hon' hay còn gọi là người chậm tăng trưởng chiều cao ở nước ta khá nhiều, song do không được phát hiện và điều trị kịp thời, dẫn tới có người 30 tuổi nhưng chỉ cao bằng đứa trẻ 6-7 tuổi. Cứ 4.000 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao, trong khi đó mỗi năm nước ta có khoảng 1,4 triệu em bé chào đời, tức là có khoảng 350 trẻ mắc bệnh lý này.
Tăng 29cm sau gần 2 năm điều trị
Gặp bé Nguyễn Hà V. (SN 2009, quê ở huyện Hưng Hà, Thái Bình) tại Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi ngỡ ngàng bởi cháu chỉ bằng đứa trẻ 4-5 tuổi. Thế nhưng, mẹ cháu – chị Quách Thị Th. lại rơm rớm nước mắt cho biết: “Cháu cao được thế này sau gần 2 năm điều trị là em đã mãn nguyện lắm rồi”. Cô bé tí hon ngồi đung đưa trên ghế, chỉ bẽn lẽn cúi đầu vì mặc cảm nên không trò chuyện với người lạ.
Vào 2 năm trước, bước sang tuổi thứ 9, cô bé tí hon Nguyễn Hà V. chỉ như em bé 1 tuổi với chiều cao vỏn vẹn 79cm, nặng 9kg, được mẹ đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Bé được chuyển đến Khoa Nội tiết – Chuyển hóa- Di truyền, sau các xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ kết luận cháu bị suy tuyến yên toàn phần – căn bệnh gây nên chậm phát triển chiều cao.
Chị Quách Thị Th. cho biết, khi sinh ra cháu được hơn 2kg, đến 5 tháng cháu được 5kg, đến tháng thứ 9 thì cháu không tăng thêm được lạng nào nữa. Cho con đi khám khắp nơi không tìm ra nguyên nhân, chán nản chị bế con về. Vì chỉ bằng đứa trẻ 1 tuổi nên đi đâu cháu V cũng phải có người bế, mọi sinh hoạt đều không tự thực hiện được. Mỗi bữa, cháu chỉ ăn được 1 thìa cơm, 5 tuổi đi học mẫu giáo cháu còn phải đóng bỉm. Vì là người “tí hon” nên V. khá tự ti, đến lớp hầu như không trò chuyện với ai, song trí tuệ của cô bé thì vẫn bình thường.
Chị Th. cho biết, em trai của bé V. kém bé 4 tuổi phát triển bình thường. Khi cậu bé đi học lớp 1, chị Th. xin cho V. được học cùng em. “Nhìn thấy cháu, thầy hiệu trưởng không nhận, sau này thầy mới nhận vì cho cháu đi học để cháu hòa đồng. Nhưng cháu học mãi vẫn không lên được lớp 2”, chị Th. tâm sự.
Theo tâm sự của người mẹ, năm 2019, thấy con sắp bước vào tuổi dậy thì mà vẫn nhỏ bé, chị lại cho con lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Khi tìm ra căn nguyên của bệnh, cô bé tí hon bắt đầu bước vào các đợt điều trị. TS Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền cho biết: Sau gần 2 năm điều trị, cháu V. đã cao được 109cm (cao thêm 29cm), nặng hơn 19kg (thêm gần 11kg). Nếu không điều trị kịp thời, cháu V không có khả năng dậy thì. Với kết quả điều trị hiện tại, cháu có nhiều hy vọng dậy thì trong tương lai. Hiện tại, mỗi tháng tiền thuốc của cháu V. khoảng 5 triệu đồng, trừ BHYT chi trả, gia đình phải bỏ ra 1,6 triệu. “Cháu ước mơ có thể cao như người bình thường, nên dù khó khăn chúng tôi cũng cố gắng chữa bệnh cho cháu”, chị Th. cho biết.
10% người bệnh đến viện muộn, bác sĩ phải “bó tay”
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi gặp anh Trần Đức Thắng (Hà Nội) cho con đến khám vì cháu tăng trưởng chiều cao chậm. Anh chia sẻ: "Khi thấy con chỉ cao bằng một nửa các bạn cùng tuổi và lớn rất chậm, tôi cho con đi khám dinh dưỡng nhưng không ăn thua. Đến đây mới biết bệnh của con có thể điều trị được, vợ chồng tôi mừng lắm".
TS Vũ Chí Dũng cho biết, với những trường hợp đến viện vào “giai đoạn vàng”, điều trị hóc môn tăng trưởng khá hiệu quả. Điển hình là bé trai 8 tuổi, lúc 19 tháng chỉ được 59cm. 11 tháng sau điều trị, trẻ tăng được 14cm. Đến nay, sau 5 năm 4 tháng điều trị, trẻ đã cao 111,5cm, cao hơn chiều cao trung bình của trẻ em Việt Nam 6 cm (110,6cm).
Nguyên nhân khiến bé trai này bị chậm tăng trưởng chiều cao là do thiếu hụt tuyến yên, nếu không được điều trị thì không thể trưởng thành. Hay một trẻ 12 tuổi bị não úng thủy bẩm sinh, đặt van dẫn lưu lúc 7,5 tháng, chỉ cao được 93cm do thiếu hóc môn tăng trưởng. Sau 1 năm điều trị, cháu đã cao thêm 17,5cm và sau 22 tháng, cháu đã tăng 25cm, đuổi kịp chiều cao của một trẻ bình thường.
Theo TS. Dũng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ như suy dinh dưỡng, bị các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hóc môn tăng trưởng. Trong đó thiếu hoóc môn tăng trưởng là một trong những nguyên nhân quan trọng với tỷ lệ mắc bệnh khoảng 1/4000 – 1/10.000 trẻ. Mỗi năm nước ta có khoảng 1,4 triệu em bé chào đời, thì có khoảng 350 em bé mắc bệnh lý này. Mỗi ngày, có khoảng 20 trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám vì chậm phát triển chiều cao.
Điều trị hóc môn tăng trưởng cho trẻ chậm tăng trưởng chiều cao tại Bệnh viện Nhi Trung ương được tiến hành từ năm 2005. Cho tới nay đã có trên 900 trẻ đang điều trị với các nhóm bệnh do thiếu hóc môn tăng trưởng, chậm tăng trưởng so với tuổi thai. Kết quả, năm đầu trẻ tăng trung bình 10 -12 cm, năm thứ 2 tăng trung bình 7 – 9cm, các năm sau đó tăng trung bình 6cm.
Tuy nhiên, theo TS Dũng, có tới 10% trẻ bị chậm tăng trưởng chiều cao nhưng gia đình không biết, khi đưa đến đây khám thì bác sĩ bó tay vì các cháu đã 17-18 tuổi, qua tuổi dậy thì. Có trẻ 15 tuổi nhưng tuổi xương chỉ như trẻ 2-3 tuổi. Vì vậy, các bậc cha mẹ phải đo chiều cao cho con và đánh dấu vào biểu đồ tăng trưởng để theo dõi xem có bình thường hay không. Nếu mỗi năm trẻ không cao được 4cm là không bình thường. Giai đoạn vàng để điều trị cho trẻ là 7,7 tuổi. Vậy nên, ở bất kỳ thời điểm nào thấy trẻ phát triển chiều cao thấp hơn giới hạn bình thường và tốc độ tăng trưởng chậm thì gia đình nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết Nhi để xác định chẩn đoán tìm nguyên nhân.
“Cần phải điều trị cho trẻ theo đúng nguyên nhân gây ra bệnh chứ không phải cứ tìm thuốc tăng chiều cao cho trẻ sử dụng. Gần đây, cha mẹ tại Việt Nam đã đua nhau dùng sản phẩm được giới thiệu tăng chiều cao GH của Nhật, kích thích hóc môn tăng trưởng để “thúc” chiều cao cho con mà không biết rõ nguyên nhân. Tôi đã trao đổi với các đồng nghiệp tại Nhật, họ cho biết không có bằng chứng khoa học nào về điều đó, đây chỉ xem là thực phẩm chức năng”, TS Dũng khuyến cáo.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/hang-tram-nguoi-ti-hon-khong-duoc-phat-hien-som-624300/