Hàng trăm tấn thực phẩm giả 'lọt lưới' ở Phú Thọ: Ai chịu trách nhiệm?

Vụ việc dầu ăn, mì chính, hạt nêm giả được phát hiện tại Phú Thọ một lần nữa cảnh báo về an toàn thực phẩm vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đằng sau những con số 'rợn người' ấy, không chỉ là dấu vết của hành vi gian lận trắng trợn, mà còn là câu hỏi lớn về những lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm. Ai chịu trách nhiệm khi lượng lớn thực phẩm giả ngang nhiên 'lọt lưới'?

Thực phẩm giả “tấn công” khu công nghiệp

Ngày 24/4, tiến hành khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam (Công ty Famimoto), Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện, tạm giữ hơn 71 nghìn lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả. Ngoài ra, cơ quan Công an còn tạm giữ gần 84 tấn phụ gia các loại dùng để sản xuất, san chiết các loại mì chính, hạt nêm, bột canh giả cùng dây chuyền sản xuất.

Lực lượng chức năng xác định, Công ty Famimoto đã tiêu thụ ra thị trường 144 tấn dầu ăn; 118 tấn bột canh, 363 tấn hạt nêm giả. Ngoài ra, cơ quan Công an còn làm rõ hơn 1.220 tấn mì chính có dấu hiệu vi phạm về chỉ dẫn tem mác. Đáng chú ý, các sản phẩm hàng giả trên đã được Công ty Famimoto bán cho các bếp ăn tại các khu công nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động.

ảnh thực phẩm giả

ảnh thực phẩm giả

Bước đầu Giám đốc doanh nghiệp khai nhận: Mì chính và dầu ăn nguyên liệu mua từ một doanh nghiệp khác, sau đó tiến hành san chia, đóng gói cho vào 2 loại bao bì mang nhãn hiệu “Bột ngọt Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore” và “Bột ngọt Famimoto - nhãn hiệu bột ngọt hàng đầu Việt Nam, Công nghệ Nhật Bản”.

Với mặt hàng dầu ăn, sau khi mua về, Công ty Famimoto tiến hành sang chiết, rót vào chai thành hai loại là “Dầu ăn thượng hạng Boat Brand - thương hiệu xuất xứ Singapore” và “Dầu thực vật Fami Gold - sản xuất từ 100% nguyên liệu nhập khẩu Singapore”. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm, Công ty tiến hành tự công bố sản phẩm.

Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cho thấy, chất lượng các sản phẩm mì chính, dầu ăn, bột canh cao cấp và hạt nêm do Công ty Famimoto đóng gói và sản xuất đều không đạt so với các chỉ tiêu Công ty công bố hoặc chỉ tiêu ghi trên nhãn sản phẩm.

Như vậy đã rõ, hàng trăm tấn dầu ăn, mì chính, hạt nêm giả đã lọt vào bếp ăn của công nhân, âm thầm “bào mòn” sức khỏe của hàng nghìn người lao động trong thời gian dài. Đó không chỉ là hành vi gian lận thương mại thuần túy, mà thực sự là một tội ác đối với con người, với xã hội. Bởi khi một doanh nghiệp có thể bất chấp “đầu độc” bữa ăn công nhân để trục lợi, điều đó đồng nghĩa với việc họ đã trực tiếp tước đi quyền cơ bản nhất của con người, quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền được sống an toàn.

Không chỉ xử lý doanh nghiệp vi phạm

Vụ án sản xuất hàng giả với quy mô lớn ở Phú Thọ một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về hiểm họa thực phẩm giả. Những vụ triệt phá hàng loạt vụ án sản xuất, tiêu thụ hàng giả là thực phẩm, sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn gần đây cho thấy cuộc chiến chống thực phẩm giả vẫn đang diễn ra đầy gian nan, trong khi người tiêu dùng thì ngày càng trở nên hoang mang, bất lực trước sự dối trá ngày càng tinh vi.

Theo các chuyên gia pháp lý, với tính chất nguy hiểm, thủ đoạn tinh vi và quy mô lớn, vụ việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả xảy ra tại Phú Thọ mang đầy đủ dấu hiệu của hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật đánh giá, hành vi của các đối tượng đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự tùy từng trường hợp phạm tội và kết quả điều tra. Trước hết là dấu hiệu tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù hoặc tù chung thân trong trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Giả sử trường hợp cơ quan điều tra xác định hành vi của các đối tượng phạm tội theo Điều 317, vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, nếu xác định được thiệt hại thực tế về sức khỏe người tiêu dùng hoặc tội “lừa dối khách hàng” theo Điều 198, khi đối tượng cố ý tạo dựng nhãn mác, thương hiệu giả để đánh lừa người tiêu dùng. Vụ việc nêu trên còn mang nhiều tình tiết tăng nặng như phạm tội có tổ chức, thực hiện hành vi trên diện rộng, gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội và kéo dài trong thời gian dài.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, vụ sản xuất, tiêu thụ thực phẩm giả quy mô lớn tại Phú Thọ không chỉ làm lộ diện một đường dây tội phạm kinh tế tinh vi, mà còn phơi bày những bất cập nghiêm trọng trong công tác quản lý. Chúng ta cũng cần nhắc tới trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan trong trường hợp xác định có lỗi gây ra từ việc để hàng giả ngang nhiên hoành hành trong thời gian dài.

Theo quy định của pháp luật, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của nhiều cơ quan quản lý, bao gồm quản lý thị trường, an toàn thực phẩm, cùng chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thực trạng phối hợp giữa các cơ quan đôi khi còn rời rạc, thiếu nhịp nhàng, gây ra những hậu quả đáng tiếc như vụ việc nêu trên.

Luật sư Bình cũng cho hay, hiện nay, cơ chế tự công bố tiêu chuẩn chất lượng đối với thực phẩm đang bị lạm dụng, trong khi việc thẩm tra, xác minh thực tế gặp nhiều khó khăn. Đây chính là kẽ hở lớn để các doanh nghiệp gian dối hợp pháp hóa sản phẩm giả mạo dưới vỏ bọc giấy tờ hợp lệ.

“Chúng ta cũng cần xem xét trách nhiệm giám sát của chính quyền sở tại nơi đặt cơ sở sản xuất của Công ty Famimoto. Trong trường hợp xác định được cơ quan chức năng có hành vi buông lỏng nhiệm vụ, không thực hiện đúng trách nhiệm quản lý nhà nước, có thể xem xét dưới nhiều khía cạnh như trách nhiệm hành chính, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước, thậm chí nếu có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự…” - luật sư Bình nhấn mạnh.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hang-tram-tan-thuc-pham-gia-lot-luoi-o-phu-tho-ai-chiu-trach-nhiem-10304714.html