Hàng trăm tăng ni, phật tử tham dự ngày hội Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo
Ngày hội 'Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo' sẽ không chỉ dừng lại một ngày mà đây là điểm khởi đầu cho một tinh thần nhân ái sẽ được tổ chức hàng năm.
Ngày 4-8, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội), Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phối hợp với Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đã tổ chức "Ngày hội Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo" và đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo năm 2019.
Tham dự ngày hội có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đông đảo tăng ni sinh đang theo học tại Học viện Phật giáo Việt Nam.
Phát biểu tại ngày hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết thời gian qua, công tác vận động hiến mô, tạng đã đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Nếu như năm 2014 chỉ vận động được hơn 200 người đăng ký hiến mô, tạng thì đến hết năm 2018, tổng số người đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não lên đến 19.300, góp phần quan trọng vào việc cứu chữa người bị bệnh hiểm nghèo.
Những kết quả trên thể hiện sự quan tâm, một nghĩa cử cao đẹp càng lớn của toàn xã hội đối với việc hiến máu, hiến mô, tạng cứu người; thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng. Hiến máu, hiên mô, hiến tạng cứu người là hoạt động đầy ý nghĩa và mang đậm tính văn hóa, nhân văn, thể hiện sâu sắc đạo lý "Thương người như thể thương thân" của dân tộc ta...
Cũng nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo tiếp tục duy trì và nhân rộng động rất có ý nghĩa ở tất cả các cơ sở Phật giáo trên cả nước.
"Tôi kêu gọi các cơ sở Phật giáo trong cả nước tiếp tục phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp, ngành y tế tham gia tổ chức, vận động và truyền thông cho các tăng ni, phật tử tham gia hiến máu nhân đạo, đăng ký hiến, tặng mô, tạng", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, xã hội để lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia giữa con người với con người về việc hiến máu, hiến tặng mô, tạng nhân đạo theo đúng tinh thần thông điệp "Cho đi là còn mãi".
Tại chương trình, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cũng bày tỏ, với khoa học và đạo đức thế gian, hiến máu không những không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn là một nghĩa cử cao đẹp, cứu người là một hành động thiêng liêng đáng quý hơn mọi hành động. Với Phật tử, việc hiến máu và mô, tạng là đại thuận duyên để thể hiện lòng từ bi, hàm chứa cả ý nghĩa tự lợi và lợi tha, giúp phật tử trưởng dưỡng Bồ đề tâm trên lộ trình Giác ngộ - Giải thoát.
"Xuất phát từ nhu cầu tự thân của Phật sự giáo dục Phật học - đào tạo Tăng tài, từ nay hiến máu và mô, tạng sẽ là một nội dung ổn định trong chương trình hoạt động của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội", Thượng tọa nhấn mạnh.
Ngày hội "Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo" sẽ không chỉ dừng lại một ngày mà đây là điểm khởi đầu cho một tinh thần nhân ái sẽ được tổ chức hàng năm. Theo ban tổ chức, tình yêu thương noi gương Đức Phật "Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa" sẽ được lan tỏa, kêu gọi các cơ sở phật giáo tiếp tục vận động tăng ni, phật tử tiếp tục tham gia hiến máu cứu người.
Hưởng ứng hành động đầy ý nghĩa này, gần 500 tăng ni sinh Học viện và đông đảo phật tử đã nhất tâm hoan hỉ tham gia chương trình có ý nghĩa sâu sắc về đạo pháp và nhân văn cao cả này, coi đây là đại thuận duyên để thực hiện hạnh Bồ Tát của mình bằng việc làm thiết thực.