Hàng triệu người Afghanistan sắp chết đói mà không được trợ giúp
Thảm họa toàn diện tại Afghanistan đẩy hàng triệu người tới bờ vực chết đói, trong khi cứu trợ nhân đạo gặp nhiều trở ngại bởi các lệnh cấm vận quốc tế và mùa đông khắc nghiệt.
Hơn 4 tháng từ khi Taliban tiến vào Kabul, một thảm họa nhân đạo toàn diện đang diễn ra ở Afghanistan. Suy dinh dưỡng và nạn đói đang tăng nhanh ở tốc độ chưa từng có. Các tổ chức quốc tế cảnh báo nếu không có phản ứng khẩn cấp, hàng triệu người Afghanistan sẽ chết vì nạn đói trong năm 2022.
Nguyên nhân do đâu?
Thảm cảnh đang xảy ra ở Afghanistan đã được dự báo ngay sau khi Taliban giành lại quyền kiểm soát đất nước.
Từ lâu, Taliban và các cá nhân liên quan nằm trong danh sách trừng phạt quốc tế của Liên Hợp Quốc và nhiều nước phương Tây vì hoạt động khủng bố, tài trợ khủng bố.
Viện trợ quốc tế chiếm đến 80% ngân sách hoạt động của chính phủ cũ tại Afghanistan. Sau ngày 15/8 khi Taliban trỗi dậy giành chính quyền, viện trợ quốc tế dành cho Afghanistan lập tức bị cắt bởi các quốc gia, tổ chức quốc tế có nghĩa vụ tuân thủ lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc với Taliban - tổ chức lúc này đã kiểm soát chính phủ ở Afghanistan.
Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của Afghanistan trong 20 năm qua, đã phong tỏa khoản tiền gần 10 tỷ USD vốn là tài sản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan. Đồng thời, các nhà tài trợ quốc tế khác cũng đóng băng nguồn viện trợ dành cho phát triển.
Không có viện trợ nước ngoài, chính phủ mới của Taliban không còn nguồn tiền để chi trả cho các dịch vụ công cộng như y tế, năng lượng, nước sạch.
Hàng trăm nghìn nhân viên trong các ngành dịch vụ công không còn được trả lương. Hàng triệu người sống dựa vào thu nhập đến từ viện trợ nước ngoài ngay lập tức bị bần cùng hóa, rơi vào đói nghèo. Toàn bộ hệ thống bệnh viện công gần như tê liệt.
Cấm vận quốc tế cũng giáng một đòn chí tử vào các ngành kinh tế tư nhân và hoạt động thương mại.
Afghanistan là quốc gia không có biển. Mọi hoạt động giao thương diễn ra bằng đường bộ và đường không. Sau ngày 31/8, các tuyến bay thương mại, hàng hóa gần như tê liệt. Trong khi đó, nhiều tuyến biên giới trên bộ chưa được mở lại, hoạt động giao thương đường bộ không đủ để đáp ứng nhu cầu vận tải.
Hệ thống ngân hàng của Afghanistan lúc này đã trên bờ vực sụp đổ. Các định chế tài chính quốc tế không giao dịch trực tiếp với Ngân hàng Trung ương Afghanistan hiện do Taliban kiểm soát.
Bởi lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc và Mỹ, các ngân hàng thương mại Afghanistan bị cô lập hoàn toàn khỏi hệ thống tài chính quốc tế, gần như không thể giao dịch chuyển tiền và nhận tiền với bên ngoài.
Cộng đồng quốc tế không muốn Taliban nắm quyền kiểm soát tiền viện trợ, bởi không gì bảo đảm tổ chức này sẽ sử dụng số tiền để cứu trợ công bằng, cũng như rủi ro Taliban sử dụng tiền phục vụ các mục đích cực đoan, khủng bố.
Nạn đói bắt đầu hoàn hành
2021 là một năm khí hậu khắc nghiệt với Afghanistan. Hạn hán đã kéo dài nhiều tháng và chưa hứa hẹn ngày chấm dứt. Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), nông dân Afghanistan đã mất trắng khoảng 40% mùa màng do thiên tai năm nay.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, khoảng 24 triệu người, tương đương 60% dân số Afghanistan, thường xuyên đói ăn. Khoảng 8,7 triệu người Afghanistan đang đối mặt nạn đói.
Liên Hợp Quốc ước tính 3,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính. Trong số này, ít nhất 1 triệu trẻ em sẽ chết nếu không được cứu trợ khẩn cấp.
Một cuộc di cư khổng lồ đã bắt đầu, khi hàng nghìn người Afghanistan trong cơn tuyệt vọng đang tìm mọi con đường để đến Iran.
Mỗi ngày, những chuyến xe buýt liên tục chở theo hàng trăm người từ thành phố Herat đi tới tỉnh Nimroz. Từ đây, họ sẽ phải liều mạng đi bộ cho đến khi vào được Iran.
Đầu tháng 12, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành một số ngoại lệ, nới lỏng cấm vận để tạo điều kiện cho phép các tổ chức cứu trợ quốc tế giao dịch vì mục đích nhân đạo với một số cá nhân, tổ chức Afghanistan, trong đó có các thành viên Taliban.
Hôm 22/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng thuận thông qua nghị quyết nới lỏng các biện pháp cấm vận, cho phép các hoạt động chuyển tiền và hàng hóa đến Afghanistan phục vụ mục đích cứu trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, các ngân hàng quốc tế vẫn cực kỳ cảnh giác để tránh rủi ro vi phạm lệnh cậm vận dẫn đến bị Mỹ trừng phạt.
Lúc này, một số quốc gia, trong đó có các láng giềng như Pakistan và Ấn Độ, đã trực tiếp gửi thực phẩm và nhu yếu phẩm y tế tới Afghanistan thông qua các cơ quan cứu trợ nhân đạo.
Ngân hàng Thế giới cho biết các nhà tài trợ quốc tế đã đồng ý chuyển 280 triệu USD, thuộc khoản cứu trợ trước đó bị đóng băng, cho UNICEF và WFP để cứu trợ người dân Afghanistan.
Trong năm 2021, khoảng 1,6 tỷ USD viện trợ quốc tế đã được chuyển đến Afghanistan, trong đó Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất với 421 triệu USD, xếp sau lần lượt là EU, Đức, Anh và Nhật Bản.
Muối bỏ bể
Văn phòng Điều phối Hỗ trợ nhân đạo Liên Hợp Quốc (UNOCHA) cho biết sẽ cần thêm 4,5 tỷ USD trong năm 2022 để giúp Afghanistan vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.
"Cứu trợ nhân đạo sẽ không thể khỏa lấp khoảng trống khổng lồ đã bị bỏ lại sau khi các nhà tài trợ quốc tế rút lui", Vicki Aken, một quan chức Ủy ban Cứu trợ Quốc tế tại Afghanistan, cho biết.
Ingy Sedky, một thành viên Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), cho biết tất cả những hoạt động cứu trợ hiện nay tại Afghanistan chỉ như muối bỏ bể, bởi mọi loại nhu yếu phẩm và dịch vụ hỗ trợ đều rất thiếu thốn. ICRC cho biết phần lớn cơ sở y tế tại Afghanistan không có đủ khả năng cung cấp các chương trình chăm sóc đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đa phần hàng hóa viện trợ được gửi tới Afghanistan thông qua biên giới trên bộ với Iran, Pakistan, Turkmenistan, Uzbekistan, Tajikistan và Kazakhstan. Trong bối cảnh mùa đông khắc nghiệt, nhiều tuyến đường bộ bị băng tuyết che phủ, khiến các hoạt động cứu trợ ở nhiều khu vực bị gián đoạn.
Các tổ chức cứu trợ cho biết tình hình bất ổn và khó dự đoán do các vụ bạo lực lẻ tẻ nổ ra có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động cứu trợ bất cứ lúc nào. Một số tổ chức cứu trợ cho biết không thể bảo đảm an toàn cho nhân viên, đặc biệt là nhân viên nữ.
Với việc hệ thống ngân hàng tê liệt, người dân không thể rút tiền để mua thực phẩm và hàng hóa thiết yếu. Ngay cả các tổ chức cứu trợ quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn để trả lương cho nhân viên và mua thực phẩm, nhiên liệu phục vụ hoạt động cứu trợ.
Trong khi nhiều tổ chức đang kêu gọi tăng cường cứu trợ cho người dân Afghanistan, vẫn có những quan điểm phản đối việc nới lỏng cấm vận.
Morgan Ortagus, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, chỉ trích việc Bộ Thương mại Mỹ nới nới lỏng cấm vận Taliban là bước đi "cực kỳ nguy hiểm".
"Bộ Thương mại đã gửi đi thông điệp rằng với việc chiếm được đủ đất đai, kiểm soát đủ số thường dân, bất cứ tổ chức nào cũng có thể giành được tính chính danh", bà Ortagus viết trên Twitter.
Các quan chức Taliban đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế cứu trợ khẩn cấp, cho rằng giúp Afghanistan tránh khỏi thảm họa cũng sẽ mang lại lợi ích cho phương Tây.
"Hậu quả của đóng băng viện trợ sẽ tác động tới thường dân Afghanistan, không phải chính quyền Taliban", Thứ trưởng Ngoại giao của chính quyền Taliban, ông Sher Mohammad Abbas Stanikzai, tuyên bố.
Quan chức Taliban cảnh báo nếu "tình hình chính trị và kinh tế không có chuyển biến", hàng nghìn người tị nạn Afghanistan sẽ đổ tới các quốc gia láng giềng và thậm chí cả châu Âu.