Hàng triệu người cần lưu ý điều này nếu không muốn bị phạt lên đến hàng tỷ đồng

Một bản dự thảo đang thu hút sự chú ý khi đề xuất tăng gấp đôi hình phạt đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Nếu được thông qua, pháp nhân vi phạm có thể bị phạt tới 6 tỷ đồng - mức xử lý cao nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.

'Mạnh tay' xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm

Dự thảo sửa đổi Điều 216 Bộ luật Hình sự đang được đưa ra lấy ý kiến đã đề xuất nâng trần hình phạt tiền và hình phạt tù với các hành vi gian lận trong đóng bảo hiểm. Động thái này nhằm chấn chỉnh tình trạng "né tránh nghĩa vụ" vẫn âm ỉ tại nhiều doanh nghiệp.

Cụ thể, cá nhân cố tình không đóng hoặc đóng không đầy đủ các khoản bảo hiểm bắt buộc trong thời gian từ 6 tháng trở lên, sau khi đã bị xử phạt hành chính mà còn tái phạm, sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Mức phạt tiền dự kiến tăng gấp đôi, từ 100 đến 400 triệu đồng, kèm theo hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc tù giam tối đa 1 năm.

Dự thảo sửa đổi Điều 216 Bộ luật Hình sự đang được đưa ra lấy ý kiến đã đề xuất nâng trần hình phạt tiền và hình phạt tù với các hành vi gian lận trong đóng bảo hiểm. (Ảnh: TL)

Dự thảo sửa đổi Điều 216 Bộ luật Hình sự đang được đưa ra lấy ý kiến đã đề xuất nâng trần hình phạt tiền và hình phạt tù với các hành vi gian lận trong đóng bảo hiểm. (Ảnh: TL)

Phân loại mức độ vi phạm để xử lý tương xứng

Theo đề xuất mới, hành vi trốn đóng bảo hiểm sẽ được phân cấp thành ba nhóm, ứng với các mức độ vi phạm:

- Nhóm 1: Trốn đóng từ 100 – dưới 600 triệu đồng, hoặc liên quan đến 10 – dưới 50 người lao động Phạt từ 100 – 400 triệu đồng hoặc tù đến 1 năm

- Nhóm 2: Trốn đóng từ 600 triệu – dưới 2 tỷ đồng, hoặc từ 50 – dưới 200 người Phạt từ 400 triệu – 1 tỷ đồng hoặc tù giam từ 6 tháng – 3 năm

- Nhóm 3: Trốn đóng từ 2 tỷ đồng trở lên, hoặc liên quan đến 200 người trở lên, hoặc chiếm dụng tiền bảo hiểm đã thu Phạt từ 1 – 2 tỷ đồng hoặc tù từ 2 – 7 năm

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung từ 40 – 200 triệu đồng, thay vì mức tối đa 100 triệu như trước đây.

Pháp nhân vi phạm: Mức phạt có thể lên tới 6 tỷ đồng

Đặc biệt, đối với doanh nghiệp – tức pháp nhân thương mại, các mức phạt được nâng gấp đôi:

- Vi phạm nhẹ: Phạt từ 400 triệu – 2 tỷ đồng

- Vi phạm nghiêm trọng hơn: Phạt từ 1 – 2 tỷ đồng

- Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng: Phạt từ 2 – 6 tỷ đồng

Đây được xem là ngưỡng xử lý cao nhất trong lịch sử các quy định về xử phạt doanh nghiệp vi phạm luật bảo hiểm, phản ánh thái độ cứng rắn của cơ quan soạn thảo trước tình trạng trốn đóng dai dẳng.

Bối cảnh yêu cầu chế tài mạnh mẽ hơn

Theo Bộ Công an, dù hành vi trốn đóng bảo hiểm đã được quy định rõ trong Luật BHXH 2014 và Bộ luật Hình sự 2015, song việc thực thi trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nhiều doanh nghiệp nợ đọng, chiếm dụng hoặc lách luật khiến người lao động thiệt hại quyền lợi về lâu dài.

Đồng thời, mức xử phạt hành chính hiện nay (100 – 150 triệu đồng với tổ chức) chưa đủ sức răn đe trong bối cảnh hàng trăm nghìn người lao động bị ảnh hưởng bởi việc không được đóng bảo hiểm đúng quy định.

Việc nâng mạnh các khung xử lý là bước đi cần thiết nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống an sinh xã hội, đồng thời khẳng định: doanh nghiệp không thể đứng ngoài luật pháp khi cố tình quay lưng với nghĩa vụ bảo hiểm cho người lao động những người trực tiếp tạo ra giá trị cho họ.

Bảo An

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/hang-trieu-nguoi-can-luu-y-dieu-nay-neu-khong-muon-bi-phat-len-den-hang-ty-dong-17225051818415324.htm