Hàng triệu shipper ở Trung Quốc muốn đòi lại công bằng
Hơn 95% lái xe giao hàng ở Trung Quốc làm việc hơn 8 giờ/ngày; 38,8% làm việc từ 11 - 12 giờ/ngày.
Khi dịch bệnh bùng phát, trải qua nhiều lần phong tỏa, những tài xế giao hàng, thực phẩm… (shipper) tại Trung Quốc được ca ngợi như những anh hùng vì giúp hàng triệu người không bị đứt bữa.
Nhưng những anh hùng này lại đang phải chịu đựng sự bóc lột, lạm dụng đến phẫn uất vì cơ chế quản lý khắc nghiệt của các công ty ứng dụng, đến mức chính quyền Trung Quốc phải vào cuộc.
Nhiều nhân viên giao hàng làm việc bất chấp thời tiết để kiếm đủ tiền mưu sinh
Phẫn nộ từ cánh tài xế
Câu chuyện đau lòng làm dậy sóng dư luận chính là sự việc nhân viên tên Liu Jin (45 tuổi), làm việc cho ứng dụng giao đồ ăn Ele.me đã tự thiêu để đòi lại công bằng vào đầu năm nay.
Bức xúc của ông Liu bắt đầu khi đối tác Ele.me chuyên quản lý lao động địa phương, đã giữ lại của ông hàng nghìn nhân dân tệ tiền lương (tương đương 500 - 700 USD).
Muốn đòi lại đồng tiền xương máu, ông Liu đã mua xăng đến văn phòng đối tác của Ele.me ở thành phố Thái Châu. Khi đại lý này nhất quyết từ chối trả tiền, ông Liu dội xăng lên người và chạy ra ngoài phóng hỏa, tự thiêu.
Trong lúc ngọn lửa lan khắp cơ thể, người đàn ông này đã hét lên: “Tôi cần tiền mồ hôi, nước mắt của mình!”.
Ông đã được những người có mặt tại hiện trường vội cứu và đưa đến bệnh viện. Nhưng người đàn ông 45 tuổi, là trụ cột của gia đình, vẫn phải chịu nỗi đau đớn từ những vết bỏng ăn sâu cơ thể mức độ III.
Câu chuyện của ông Liu là giọt nước tràn ly, đại diện cho nhiều nỗi bức xúc chất chồng khác của các lao động giao nhận hàng tại Trung Quốc.
Một số người đã đứng lên biểu tình phản đối, chấp nhận nghỉ việc nhưng một số khác vẫn nhẫn nhịn làm việc vì giữa lúc dịch bệnh, cảnh thất nghiệp nhan nhản, họ không thể tìm được công việc khác.
Những cơ chế khắc nghiệt
Nhân viên Meituan giao hàng trong mưa tuyết
Năm 2020, tại Trung Quốc, có khoảng 800 triệu người tham gia vào ngành kinh tế chia sẻ trong đó có 7 triệu người làm tài xế giao nhận đồ ăn, theo Viện nghiên cứu về luật lao động Beijing Yilian.
Hơn 95% lái xe giao hàng làm việc hơn 8 giờ/ngày; 38,8% làm việc từ 11 - 12 giờ/ngày.
Điều này chỉ ra, nhiều người coi đây là công việc toàn thời gian trong khi bản chất ban đầu của các ứng dụng này chỉ là cung cấp công việc bán thời gian, làm thêm.
Bản thân không ít tài xế chỉ coi đây là công việc tạm thời, chờ cơ hội tốt nên lười đầu tư thời gian, công sức, dễ nhảy việc, chủ yếu làm việc 1 - 2 tháng rồi đi nên các công ty cung cấp ứng dụng cũng không đầu tư nhiều để giữ chân lái xe.
Hầu hết tài xế là các thanh niên trẻ không có bằng đại học. Họ chỉ kiếm chưa đầy 1 USD/lần giao hàng.
Nhiều nhân viên phải làm việc mà không có hợp đồng chính thức hay phải ký vào những thỏa thuận không hề có điều khoản về an sinh xã hội hay bảo hiểm.
Mặt khác, để cạnh tranh giữa vô vàn các hãng công nghệ, các công ty như Meituan, Ele.me đã cam kết với khách sẽ giao hàng trong vòng 30 phút. Do đó, họ tạo ra các thuật toán với những tiêu chí chính xác về tốc độ, thời gian giao hàng.
Các hãng sẽ trả mức cao hơn cho người giao đúng thời gian nhưng sẽ phạt, hạn chế giao đơn cho những người giao chậm.
Theo ông Chen Liteng, một nhà phân tích từ Công ty nghiên cứu thương mại điện tử China E-Commerce Research Centre, nhiều lái xe giao đồ ăn phải chạy quá tốc độ giới hạn, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, thậm chí vượt đèn đỏ để đảm bảo giao hàng đúng giờ.
Năm 2019, Cảnh sát Thượng Hải đã báo cáo số vụ tai nạn đường bộ trong nửa đầu năm này tăng vọt. Trong đó, 80% số vụ tai nạn liên quan đến các lái xe giao hàng.
Trong cơn bão hồi tháng 8/2019, một người giao hàng bằng xe máy điện đã chết vì bị điện giật sau khi xe đi vào vùng nước ngập sâu.
Nhiều tài xế của Ele.me cho biết, nền tảng này đe dọa sẽ phạt 0,80 nhân dân tệ (khoảng 3 nghìn VNĐ/đơn) nếu lái xe không nhận đơn khi thời tiết xấu.
Yêu cầu đảm bảo thu nhập, phúc lợi cho lái xe
Cuối tháng 7 vừa qua, Cục Quản lý thị trường Trung Quốc đã cùng các cơ quan chính phủ khác như Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Cục An ninh mạng, Bộ Công an Trung Quốc công bố hướng dẫn tới các nền tảng giao nhận đồ ăn tại Trung Quốc (như Meituan, Ele.me…) yêu cầu phải đảm bảo thu nhập cho lao động trên mức tối thiểu, lương và thời gian nghỉ ngơi giữa các giờ giao hàng.
Trung Quốc cũng yêu cầu các nền tảng công nghệ không được phép sử dụng những “thuật toán quá nghiêm khắc” làm thước đo để đánh giá chất lượng tài xế. Các nền tảng cũng phải nới lỏng quy định thời gian giao hàng một cách phù hợp.
Đồng thời, các công ty phải phối hợp với chương trình bảo hiểm xã hội để tìm các phương án mua bảo hiểm y tế, bảo vệ nhân viên giao nhận thực phẩm.
Hướng dẫn của các cơ quan cũng nhấn mạnh việc phải đảm bảo ATGT cho nhân viên giao hàng, kêu gọi tăng thêm những ki-ốt giao nhận thông minh và phát triển mũ bảo hiểm thông minh.
Sau thông báo trên, nền tảng giao nhận Meituan khẳng định sẽ tuân thủ hướng dẫn và tiếp tục tăng cường quyền lợi cho các lái xe. Theo Giám đốc điều hành Meituan, Wang Xing, công ty này đang phối hợp với chính phủ để mua bảo hiểm, đề phòng tai nạn lao động cho các lái xe.
Quyết định này được đưa ra nhằm lấp lỗ hổng rất lớn đang làm tổn thương hàng triệu người lao động làm việc quần quật cho các nền tảng giao nhận thực phẩm ở Trung Quốc.
Trước bức xúc của các tài xế, cách đây vài tháng, ông Wang Lin, một điều tra viên thuộc Phòng An ninh xã hội và Nhân lực thành phố Bắc Kinh, đã đóng giả làm nhân viên giao hàng của Meituan, thử làm việc một ngày và nhận thấy cơ chế phân phối đơn của các nền tảng như Meituan quá khó để các tài xế có thể nhận được phí giao hàng.
Trong quá trình làm việc 12 tiếng, ông Wang chỉ hoàn thành được 5 đơn và kiếm 6,32 USD (khoảng 145 nghìn VNĐ). Sau phản ánh của ông Wang, Meituan đã buộc phải có động thái tham vấn với các tài xế giải quyết cơ chế phân bổ đơn, mở đường dây nóng để khiếu nại…