Hàng tỷ USD đầu tư cho khoa học công nghệ thế nào cho hiệu quả?

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã xác định kinh phí chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Vậy cần cơ chế, cách thức đầu tư như thế nào để đạt hiệu quả?

LTS: Lâu nay, Nhà nước chi đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) trung bình khoảng trên dưới 1% ngân sách, tương đương khoảng chục nghìn tỷ mỗi năm. Khoản đầu tư này dù chưa lớn, nhưng nhiều năm không tiêu hết. Hậu quả là việc đầu tư cho KHCN không hiệu quả.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị xác định kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP (khoảng hơn 9 tỷ USD), trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% (khoảng hơn 3 tỷ USD) tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Vậy cơ chế đầu tư và cách thức đầu tư như thế nào để đạt hiệu quả và sinh lời cho đất nước?

Từ thực tế đầu tư cho nghiên cứu KHCN hiện nay, VietTimes triển khai loạt bài "Hàng tỷ USD đầu tư cho khoa học công nghệ thế nào cho hiệu quả?" nhằm tìm câu trả lời mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra, dành nguồn tiền thích đáng để đầu tư cho nghiên cứu KHCN, từ đó KHCN là “chìa khóa vàng” để phát triển thịnh vượng.

Trong nhiều năm qua, mặc dù các nghị quyết của Đảng và Chính phủ đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của KHCN trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; xác định KHCN giữ vai trò nền tảng và động lực then chốt cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, bất cập nổi cộm là kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN) cho KHCN trong những năm qua chưa đạt tỷ lệ tối thiểu 2% tổng chi NSNN theo yêu cầu của Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng khóa XI, Luật KH&CN và đạt tỷ lệ rất thấp so với GDP.

Kết quả kiểm toán ghi nhận, dự toán chi NSNN bố trí cho KH&CN trung bình giai đoạn 2020-2022 là 17.494 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,01% tổng chi NSNN, đạt 0,2% GDP, ông Hoàng Văn Lương, nguyên Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III (nay là Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Bộ Tài chính) từng cho biết.

Trong một phiên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội cuối năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính khi ấy là ông Hồ Đức Phớc cho biết, ngân sách Nhà nước chi cho KHCN trong thời gian qua là khá thấp. Cụ thể, năm 2017, ngân sách trung ương chi 8.731 tỷ đồng, địa phương là 2.512 tỷ đồng. Theo đó, ngân sách chi cho KHCN năm 2017 chiếm tỷ lệ 1,18% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách cho KHCN chiếm 1,01% trong tổng chi ngân sách Nhà nước. Năm 2023, chi ngân sách là 2.076 tỷ đồng, chi cho KHCN chiếm 0,82% trong tổng chi ngân sách Nhà nước. Trong đó, chi cho đầu tư là 0,23% và chi thường xuyên là 5,08%.

Dựa trên những số liệu mà ông Phớc cung cấp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, từ năm 2017 đến nay, chi ngân sách dành cho KHCN đã giảm dần trong tất cả các năm, thấp nhất là 0,82%. Trong khi đó, Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Bộ Chính trị đều quy định phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho KHCN và đổi mới sáng tạo, tăng dần theo nhu cầu phát triển của KHCN.

Theo ông Dũng đánh giá, đây là con số chi đáng báo động mà nguyên nhân từ các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển KHCN, chưa có những đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí để bố trí vốn.

Ông Hoàng Văn Lương cho biết: Qua kiểm toán, KTNN cũng chỉ rõ, mức đầu tư cho KHCN của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới.

Quỹ phát triển KHCN trong doanh nghiệp mới ở mức 0,02%

Về phía các doanh nghiệp, từ 15 năm qua, chúng ta đã có chính sách khuyến khích thành lập Quỹ phát triển KHCN trong doanh nghiệp, theo đó các doanh nghiệp trích 1 phần doanh thu cho nghiên cứu khoa học, và khoản này không bị tính thuế. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2015-2021, tỷ lệ doanh nghiệp trích lập quỹ này chỉ chiếm 0,02% và phần lớn là doanh nghiệp Nhà nước.

Các quỹ phát triển KHCN của Nhà nước cũng như của doanh nghiệp đi vào hoạt động bước đầu đã phát huy hiệu quả, nhưng nhìn chung còn hạn chế, kết quả chưa cao như kỳ vọng.

Theo số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tổng chi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) bình quân của thế giới năm 2021 so với GDP là 1,93%; các nước Đông Nam Á là 1,07% (Singapore và Malaysia có tỷ lệ đầu tư lần lượt là 2,5% và 1,5% GDP); một số quốc gia châu Á có mức chi cho KHCN cao so với mức trung bình của thế giới là Hàn Quốc 4,92% (đứng thứ 2 thế giới); Nhật Bản 3,2%; Trung Quốc 2,4%.

Có một nghịch lý, tuy mức đầu tư cho KHCN còn rất thấp so với yêu cầu, chưa đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định, nhưng thực tế lại cho thấy khả năng hấp thụ vốn đầu tư của ngành KHCN chưa tương xứng.

Vẫn theo ông Hoàng Văn Lương, kết quả kiểm toán chỉ rõ, hàng năm số hủy dự toán, số nộp trả NSNN, chuyển nguồn ngân sách sang năm sau lớn. Chẳng hạn như trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, kinh phí chuyển nguồn bình quân giai đoạn 2020-2022 chiếm tỷ trọng 36,3% (4.350,4 tỷ đồng/11.989,7 tỷ đồng) so với dự toán, trong đó chủ yếu là của các nhiệm vụ dừng, không hoàn thành hoặc hết thời gian thực hiện.

Điều đáng nói là, thực tế còn có một số nội dung nghiên cứu giống nhau giữa các đề tài, dự án mà chưa có tính kế thừa phần nào gây lãng phí nguồn lực NSNN vốn đã rất hạn hẹp dành cho nghiên cứu khoa học.

Kết quả kiểm toán của KTNN cũng chỉ ra rằng, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều sai phạm gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Việc giao dự toán kinh phí sự nghiệp KHCN chưa sát với thực tiễn cũng như vượt quá khả năng của đơn vị; thực hiện nhiệm vụ KHCN chậm tiến độ so với thuyết minh được phê duyệt, phải xin gia hạn thời gian thực hiện dẫn đến số chi chuyển nguồn kinh phí hằng năm lớn gây lãng phí nguồn lực NSNN.

Tại các địa phương, trong giai đoạn 2020-2022, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản và các nguồn lực cho nhiệm vụ KHCN không thực sự hiệu quả.

Nhiều chính sách không triển khai được do điều kiện chương trình chưa sát với tình hình cơ sở vật chất và nguồn vốn tại địa phương. Công tác lập, phê duyệt nhiệm vụ KHCN chưa có nguồn vốn bố trí, nguồn kinh phí phân bổ cho lập đề tài KHCN giải ngân chậm hoặc không hết do vướng mắc trong công tác lập, thẩm định nhiệm vụ, dự toán đề tài KHCN.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về chuyên đề quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KH&CN giai đoạn 2020-2022, KTNN đã "chỉ mặt, điểm tên" một số địa phương bố trí chưa đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách hằng năm theo quy định như tỉnh Hưng Yên, Nghệ An, Thanh Hóa; hai tỉnh có tỷ lệ thực hiện dự toán thấp là Bình Dương và Đồng Nai; giao dự toán khi chưa phê duyệt nhiệm vụ KHCN là tỉnh Hưng Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hóa; sử dụng kinh phí bố trí cho dự án đầu tư không đúng quy định là tỉnh Đồng Nai.

Nhắc đến tiến độ thực hiện một số đề tài chậm, chưa kịp thời xử lý tài sản hình thành trong quá trình thực hiện dự án KHCN, KTNN điểm tên tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Nghệ An. Chưa dừng lại, Thanh Hóa còn được nhắc đến do chưa kịp thời có báo cáo về ứng dụng kết quả nghiên cứu, trong đó có 49 nhiệm vụ đã quá 12 tháng từ ngày nghiệm thu...

Như phân tích ở trên, sự đầu tư cho phát triển KHCN tại Việt Nam vẫn còn tương đối thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và còn có nguy cơ tụt hậu so với các nước khác trong khu vực và thế giới. Không những vậy, cơ chế quản lý chi tiêu NSNN đối với KHCN còn phải đối mặt với nhiều bất cập.

NSNN dành cho nghiên cứu KHCN ở Việt Nam chủ yếu được cấp thông qua các bộ, ngành, địa phương và các quỹ hỗ trợ nghiên cứu. Hơn nữa quy trình phân bổ kinh phí còn tồn tại nhiều bất cập:

- Tập trung vào các cơ quan quản lý thay vì trực tiếp cho các nhà khoa học: Một phần lớn kinh phí được phân bổ cho các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc các tổ chức quản lý KHCN, trong khi kinh phí đến tay các nhóm nghiên cứu hoặc cá nhân trực tiếp làm nghiên cứu vẫn hạn chế.

Theo báo cáo của KTNN tháng 6 năm 2024, trong 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho KH&CN, hơn 40% được dành cho đầu tư phát triển, phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương (chủ yếu là cho xây dựng cơ bản và hạ tầng KHCN); 40-45% do các bộ, ngành, địa phương trực tiếp quản lý để chi thường xuyên và chi sự nghiệp cho bộ máy quản lý và nghiên cứu. Bộ KH&CN chỉ điều hành trực tiếp khoảng 8-11%.

Nguồn kinh phí phân bổ về địa phương cũng lại phải san sẻ cho nhiều mục đích sử dụng. Chẳng hạn như là năm 2011 kinh phí đầu tư phát triển được phân bổ về cho các địa phương khoảng 2.700 tỷ đồng nhưng các địa phương chỉ thực hiện được khoảng 2.044 tỷ (khoảng 75%) còn lại khoảng 673 tỷ đồng các địa phương sử dụng vào các dự án của các lĩnh vực khác không liên quan đến KH-CN.

Đặc biệt, trong 2.044 tỷ đồng sử dụng đầu tư cho KHCN lại có khoảng 672 tỷ đồng chi không đúng mục đích. Như vậy các địa phương chi sai mục đích đầu tư khoảng 1.345 tỷ đồng, chiếm gần một nửa kinh phí ngân sách Nhà nước đầu tư cho KH-CN phân bổ cho các địa phương. Vì vậy có thể thấy được, tỷ lệ kinh phí dành cho nghiên cứu KH&CN chỉ chiếm một phần nhỏ trong 2% tổng chi ngân sách.

- Việc xây dựng kế hoạch xác định nhiệm vụ khoa học công nghệ còn mang nặng tính hành chính. Ví dụ như là khi các nhà khoa học điều chỉnh kinh phí trên 1 tỷ đồng phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Còn dưới 1 tỷ đồng, Bộ KH&CN, Bộ Tài Chính có thể trao đổi, thống nhất, nhưng thời gian chờ đợi cho việc trao đổi này kéo dài từ 3-6 tháng. Điều này đã gây nên nhiều khó khăn cho các nhà khoa học, gây ảnh hưởng đến các công trình nghiên cứu, thậm chí có nhiều công trình buộc phải dừng lại và chỉ nằm trên các bảng kế hoạch.

- Cơ chế xin - cho, thủ tục hành chính phức tạp: Để được cấp kinh phí nghiên cứu, các nhà khoa học phải tham gia vào các quy trình phê duyệt đề tài rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Việc xét duyệt thường dựa trên hồ sơ hành chính hơn là chất lượng khoa học thực sự.

- Tình trạng "cào bằng": Nhiều đề tài được cấp kinh phí theo kiểu chia đều thay vì tập trung vào những nghiên cứu có tiềm năng.

Bên cạnh những đề tài nghiên cứu gặp khó khăn trong việc phân bổ kinh phí thì nhiều đề tài được cấp kinh phí nghiên cứu. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành đề tài nghiên cứu không được ứng dụng vào thực tế, dẫn đến lãng phí lớn về ngân sách và nguồn lực. Vấn đề này đang đặt ra câu hỏi lớn về sự nghiêm túc trong công tác nghiên cứu, cũng như tính hiệu quả trong đầu tư cho lĩnh vực này.

Trong giai đoạn 2016-2021, tổng kinh phí các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN cấp Bộ, cấp cơ sở và các nhiệm vụ khác là hơn 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, giai đoạn này có 86 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia bị dừng thực hiện, không nghiệm thu được gây lãng phí lớn… .

Tháng 8/2022, khi làm việc với Bộ KHCN về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ thực trạng: Nhiều đề tài khoa học được đầu tư nhưng không có giá trị ứng dụng, trong khi nhiều đề tài có tính ứng dụng lại không có kinh phí.

Xin đơn cử như (theo báo cáo của KTNN), tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, qua kiểm toán cho thấy một số đề tài chưa có bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước nhưng Hội đồng nghiệm thu vẫn chấm đạt và cho nghiệm thu quyết toán đề tài.

Hay tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam không thực hiện xét tuyển chọn đề tài thông qua Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN; thậm chí có tình trạng tổ chức nghiệm thu đề tài, song ý kiến của Hội đồng nghiệm thu không được tiếp thu thực hiện… Điều này dẫn đến hệ lụy là chất lượng đề tài không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến khả năng ứng dụng trong thực tiễn.

Hàng trăm tỷ đồng mỗi năm được rót vào các nghiên cứu kém chất lượng, không mang lại giá trị thực tiễn. Khi nguồn lực bị phân tán cho các nghiên cứu không hiệu quả, các dự án có tiềm năng ứng dụng thực sự lại không được đầu tư xứng đáng. Tình trạng chạy theo đề tài khiến nhiều nhà khoa học mất đi động lực nghiên cứu thực sự, đồng thời làm giảm uy tín của nền khoa học nước nhà.

Tình trạng làm đề tài nghiên cứu chỉ để lấy kinh phí, hoặc là nghiên cứu xong thì “đắp chiếu” là một vấn đề nghiêm trọng, gây lãng phí ngân sách và cản trở sự phát triển thực sự của khoa học công nghệ tại Việt Nam. Cần có những cải cách mạnh mẽ về cơ chế quản lý, cấp phát và đánh giá nghiên cứu để đảm bảo nguồn lực nhà nước được sử dụng hiệu quả và thực sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Lê Thọ Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/hang-ty-usd-dau-tu-cho-khoa-hoc-cong-nghe-the-nao-cho-hieu-qua-post182326.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat