Hàng vạn du khách nườm nượp tới Đồ Sơn xem Lễ hội chọi trâu

Hàng vạn khán giả tham dự Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2023 đã được chứng kiến những màn đấu kịch tính, hấp dẫn giữa các ông trâu

Đúng 7 giờ 30 phút ngày 23-9 (tức mùng 9-8 âm lịch), tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng), sau tiếng trống khai hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) 2023 vang lên, các "ông trâu" bắt đầu các trận đấu "cân sức cân tài" trước sự chứng kiến của hơn 2 vạn khán giả có mặt trong Sân vận động Trung tâm quận Đồ Sơn

Ngay từ sáng sớm, du khách đã nườm nượp đổ về sân vận động Đồ Sơn để tham dự Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn -Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo tại TP Hải Phòng.

Đúng 7 giờ 30 phút, các "ông trâu" bắt đầu lâm trận.

Đúng 7 giờ 30 phút, các "ông trâu" bắt đầu lâm trận.

Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2023 có sự tham gia của 16 "ông trâu" đến từ 6 phường. 16 "ông trâu" sẽ đấu 15 trận để chọn ra trâu vô địch.

Theo công bố của Ban tổ chức tại Lễ hội chọi trâu năm 2023, giải nhất được nâng từ 70 triệu đồng lên 100 triệu đồng; giải nhì từ 40 triệu đồng lên 60 triệu đồng… Lễ hội gồm 16 trâu sẽ tham gia giải tại các phường Vạn Hương, Bàng La, Hải Sơn, Ngọc Xuyên, Minh Đức, Hợp Đức.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm, các khán đài đã chật kín người tới xem chọi trâu. Lễ hội năm nay được Ban tổ chức chuẩn bị khá chu đáo từ khán đài đến vé vào sân. Tất cả các khán đài đều có mái che, vé chọi trâu được dán mã code để quét QR.

Lực lượng an ninh kiểm soát vé vào ngày từ đầu cổng Sân vận động Đồ Sơn.

Lực lượng an ninh kiểm soát vé vào ngày từ đầu cổng Sân vận động Đồ Sơn.

Các đoàn rước tiến vào Sân vận động Đồ Sơn

Các đoàn rước tiến vào Sân vận động Đồ Sơn

Do Sân vận động Đồ Sơn sức chứa khoảng 12.000 chỗ ngồi nên Ban tổ chức kiểm soát lượng du khách, người dân vào sân vận động xem chọi trâu bằng vé mời và giấy mời.

Ngoài ra, để phục vụ những du khách và người dân không có vé mời, Ban tổ chức còn bố trí hai màn hình lớn ngay ngoài sân vận động để mọi người có thể theo dõi những trận đấu hấp dẫn, kịch tính.

Ban tổ chức lễ hội chọi trâu sẽ bố trí khoảng 400 người từ các lực lượng công an, quân đội, biên phòng, bảo vệ chuyên nghiệp để đảm bảo an ninh trong và ngoài khu vực thi đấu.

Ban tổ chức tặng hoa và cờ lưu niệm cho các chủ trâu tham gia Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2023

Ban tổ chức tặng hoa và cờ lưu niệm cho các chủ trâu tham gia Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2023

Các "ông trâu" lâm trận

Các "ông trâu" lâm trận

Kẻ thắng người thua đã rõ

Kẻ thắng người thua đã rõ

Trận đấu được khán giả mong chờ nhất chính là màn đối đầu giữa hai "ông trâu" nhập ngoại số 03 mua tại Thái Lan và số 07 mua tại Campuchia. Trong đó, "ông trâu" số 03 của chủ nhân Lưu Đình Nam với cân nặng 1,3 tấn; vòng ngực 2,6 m, cao 1,6 m, dài 2,4 m là trâu to nhất trong lịch sử các mùa lễ hội từ trước đến nay. Đây cũng là đối thủ đáng gờm của các trâu khác trong mùa lễ hội năm nay.

Không ngoài dự đoán của những người yêu thích Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, "ông trâu" số 03 đã tung ra những pha đánh dồn dập khi vừa vào sân.

Ban tổ chức đánh trống khai hội.

Ban tổ chức đánh trống khai hội.

Các trận đấu năm nay diễn ra hết sức kịch tính

Các trận đấu năm nay diễn ra hết sức kịch tính

Trước đó, sáng 21-9 (ngày 7-8 âm lịch), Lễ rước nước Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn diễn ra trang trọng tại khu vực Đền Nghè, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng). Đây là sự kiện mở đầu trong các hoạt động văn hóa của Lễ hội chọi trâu có truyền thống lâu đời của người dân vùng biển. Nước từ mạch nước nguồn không bao giờ cạn suối Rồng được dẫn về từ khu vực Đền Nghè, phường Vạn Hương, được rước về các đình thờ thành hoàng của các làng (nay là các phường tại khu vực quận Đồ Sơn).

Lễ hội gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ với những lễ nghi trang trọng, phần hội với những pha đấu gay cấn, quyết liệt, những miếng đánh hay, dũng mãnh của những "ông" trâu được chọn lựa, chăm sóc, huấn luyện kỳ công… mang đến cho du khách và nhân dân những cảm xúc đặc biệt, những ấn tượng tốt đẹp, thể hiện tinh thần thượng võ, chống giặc ngoại xâm của người dân miền biển Đồ Sơn.

Lễ hội Chọi trâu truyền thống Đồ Sơn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27-12-2012 về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia của Bộ VH-TT-DL.

Lễ hội có nguồn gốc tín ngưỡng thờ thần Điểm Tước Đại Vương, vị thần của non nước Đồ Sơn, được hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ, lưu truyền từ đời này qua đời khác, đã ăn vào máu thịt trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần, tâm linh của người dân Đồ Sơn.

Tr.Đức

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/hang-van-du-khach-nuom-nuop-toi-do-son-xem-le-hoi-choi-trau-20230923114939162.htm