Hàng vạn người dự lễ hội điện Huệ Nam tại Huế
Lễ hội điện Huệ Nam (còn gọi là điện Hòn Chén) được tổ chức vào dịp tháng Ba và tháng Bảy âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội dân gian ở Huế nhằm tri ân, suy tôn Thiên Y A Na Thánh Mẫu.
Lễ hội điện Huệ Nam còn gọi là điện Hòn Chén là lễ hội dân gian ở Huế tổ chức vào dịp tháng Ba và tháng Bảy âm lịch hằng năm, nhằm tri ân, suy tôn Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Lễ hội góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản gắn với di tích điện Huệ Nam. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ.
Lễ hội điện Hòn Chén được xem như là một Festival của văn hóa dân gian vùng Huế trên sông Hương.
Nét đặc sắc nhất của lễ hội là hoạt động rước Thánh bằng thuyền trên sông Hương. Đoàn thuyền rước có đến vài chục chiếc thuyền rồng kết thành những chiếc bằng án, bên trong đặt long kiệu Thánh Mẫu và hòm sắc vua phong, cùng các vật thờ cúng như tán, tàn, cờ, quạt… xuất phát từ Nghinh Lương Đình, xuôi theo dòng sông Hương lên thượng nguồn đến điện Huệ Nam, thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham gia, chiêm ngưỡng.
Đoàn rước với với sự tham gia của nhiều người tái hiện nét văn hóa truyền thống tín ngưỡng độc đáo, phô diễn đa dạng trang phục cổ xưa đầy sắc màu kết hợp với các hình thức diễn xướng, vũ điệu đặc trưng của tín ngưỡng Thờ Mẫu.
Ngoài hoạt động cung nghinh rước Thánh Mẫu bằng đường thủy, lễ hội còn có thêm nhiều hoạt động đặc sắc như lễ Chánh tế, cầu nguyện quốc thái dân an; lễ cung nghinh Thánh Mẫu và Hội đồng Tứ Phủ, lễ chánh tế; lễ hoàn tạ và bế mạc lễ hội tại điện Huệ Nam…
Sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng dân gian và nghi thức cung đình trong lễ Điện Hòn Chén mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa lý thú trong suốt hành trình khám phá Huế.
Điện Hòn Chén (Ngọc Trản) là một cụm di tích gồm khoảng 10 công trình kiến trúc to nhỏ khác nhau đều nằm lưng chừng sườn núi Ngọc Trản, hướng mặt ra sông Hương, ẩn mình dưới những tàng cây cao bóng cả. Do đỉnh núi có một chỗ võng xuống, đường kính vài mét, nước mưa thường đọng lại, trông giống cái chén đựng nước trong. Dân gian lưu truyền rằng điện Hòn Chén xưa có tên là Hoàn Chén với ý nghĩa “trả lại chén ngọc”, gắn liền với truyền thuyết vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc xuống dòng sông Hương và một con rùa nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hang-van-nguoi-du-le-hoi-dien-hue-nam-tai-hue-post1562813.tpo