Hàng vạn người sẽ được hưởng lợi khi đề xuất nâng mức trợ cấp xã hội được thông qua

Nâng trợ cấp xã hội cho các đối tượng trong diện được trợ cấp một lần nữa được nêu ra trước nghị trường Quốc hội. Nếu các phương án được thông qua, nhiều người yếu thế sẽ được hưởng lợi để cải thiện cuộc sống.

Kiến nghị nâng mức trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên

Tại phiên thảo luận trong kỳ họp thứ 6 lần này, đại biểu Quốc hội đã đưa ra đề xuất nêu trên. Đối tượng nằm trong diện kiến nghị này là học sinh, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, bà Vương Thị Hương cho biết, tổng các định mức hỗ trợ tối đa một học sinh thuộc các đối tượng được hưởng chế độ được nhận trong một tháng bằng 100% mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và thấp nhất bằng 40% mức lương cơ sở.

Tuy nhiên, chính sách trên chỉ áp dụng cho các trường THPT công lập, không áp dụng cho học sinh ở các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Hiện đối tượng học sinh này chỉ được hỗ trợ 140 nghìn đồng/một người tiền ăn mỗi tháng. Mức hỗ trợ này quá thấp và đã được duy trì 12 năm nay, không còn phù hợp.

Do vậy, đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 1, Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng nâng mức trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên ở vùng cao, vùng sâu và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn học tại các trường đào tạo công lập, hệ chính quy, dài hạn tập trung.

Mức trợ giúp xã hội cho các đối tượng đang được đề xuất tăng so với mức hiện tại.

Mức trợ giúp xã hội cho các đối tượng đang được đề xuất tăng so với mức hiện tại.

Đề xuất 2 phương án tăng mức trợ giúp xã hội

Cũng liên quan đến chính sách trợ giúp xã hội, Bộ LĐ,TB&XH cho biết, đơn vị này được giao nghiên cứu xây dựng, sửa đổi Nghị đinh số 20 với đề xuất hai phương án tăng mức trợ cấp, hiện đang tổng hợp để hoàn thiện báo cáo Chính phủ.

Theo đó, phương án 1: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng, mức này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Phương án 2: Nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng/người/tháng lên 750.000 đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025.

Bộ LĐ,TB&XH cho biết, đến nay cả nước có khoảng 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, với mức trợ cấp 360.000 đồng/người/tháng.

Trên thực tế, nhiều địa phương đã nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội và mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng trợ giúp xã hội. Đến nay, có 14 tỉnh, thành phố đã nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Trong đó, mức chuẩn thấp nhất là 380.000 đồng ở Hà Giang, mức chuẩn cao nhất là 500.000 đồng ở Hải Phòng; 32 tỉnh, thành phố mở rộng đối tượng bảo trợ xã hội theo đặc thù của địa phương.

Về lý do đưa ra đề xuất, mức trợ cấp xã hội hiện chỉ bằng khoảng 17% thu nhập bình quân, 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021-2025. Giai đoạn 10 năm 2013-2023, tiền lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng 6 lần, tuy nhiên mức chuẩn trợ cấp xã hội chỉ được được điều chỉnh tăng 2 lần. Từ tháng 7/2023, mức lương cơ sở tiếp tục tăng lên 1,8 triệu đồng.

Cùng đó, theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Việt Nam tiếp tục tăng theo từng năm: năm 2021 CPI tăng 1,84% so với năm 2020; năm 2022 CPI tăng 3,15% so với năm 2021; 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, việc đề xuất tăng mức trợ giúp xã hội là nhằm đáp ứng sự thay đổi của thực tiễn, đảm bảo cho các đối tượng nhận được mức trợ cấp để giảm thiểu các khó khăn.

Minh Anh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/hang-van-nguoi-se-duoc-huong-loi-khi-de-xuat-nang-muc-tro-cap-xa-hoi-duoc-thong-qua-17223102509144232.htm