Hàng vạn Việt kiều đang bán hàng Trung Quốc ở châu Âu có thể làm cầu nối đưa DN Việt 'chiếm lĩnh' thị trường này
Áp dụng 'chiến tranh toàn dân' trong kinh doanh, hợp tác giữa Việt kiều và người Việt trong nước, sản phẩm Việt có thể chiếm lĩnh thị trường EU như các nước Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... đang làm?
Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực, tháng 8 đánh dấu mốc quan trọng khi 3,25 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU (tăng 300 triệu USD so với tháng 7). Tiếp tục đà tăng trưởng của tháng 8, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 9 tiếp tục tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu sang châu Âu đang có dấu hiệu đáng mừng. Nhưng làm sao để biến những chuyển biến tích cực ấy trở thành những thành tựu lớn trong xuất khẩu hàng Việt sang EU?
Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Bình - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, hiện các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là sản phẩm thô, nguyên liệu hay gia công, còn ít sản phẩm thương hiệu Việt.
Các sản phẩm mới vào được EU rất khó, phần vì đòi hỏi đảm bảo chất lượng, phần do đặc thù EU có nhiều nước thành viên với ngôn ngữ, văn hóa tiêu dùng khác nhau. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn phân phối sản phẩm tại EU, khó khăn lại nhân lên nhiều lần.
Tuy nhiên trong khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định.
Lợi thế mạnh nhất của Việt Nam - theo TS Hoàng Xuân Bình - là đang có hàng vạn doanh nghiệp Việt Kiều ở EU, nhất là tại các Trung tâm thương mại (TTTM) của người Việt với hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, bán buôn, dịch vụ.
Các doanh nghiệp này có kinh nghiệm kinh doanh hơn 20 năm, am hiểu thị trường, pháp luật, ngôn ngữ nước sở tại và cũng là điều kiện tốt làm cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam, EU.
Song, hiện tại đa số các doanh nghiệp việt Kiều EU kinh doanh các hàng hóa có nguồn gốc tứ các nước khác như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và các sản phẩm của EU. Tỷ trọng hàng Việt Nam rất thấp.
Mặt khác xu hướng ứng dụng công nghệ số và bán hàng online đang ngày càng phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Điều này có thể tạo nên những mô hình kinh doanh mới, khắc phục khoảng cách, tạo đột phá cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong marketing và phân phối sản phẩm.
Theo tiến sĩ Hoàng Xuân Bình, để có thể chuyển biến tích cực trong xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Việt Kiều cần biến cơ hội của EVFTA và xu hướng kinh doanh mới thành những mô hình kinh doanh phù hợp.
Đặc thù chung các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước chủ yếu là các doanh nghiệp vừa, nhỏ. Do vậy cần tạo dựng quan điểm “Chiến tranh toàn dân" trong kinh doanh, từ quyết tâm tiến vào thị truờng EU đến việc sử dụng mọi nguồn lực, sự hợp tác của các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp Việt Kiều… để hướng tới mục tiêu chung đưa sản phẩm Việt vào EU, chiếm lĩnh thị trường EU.
Đối tuợng chính cần hỗ trợ và hợp tác đó là các doanh nghiệp vừa, nhỏ, các doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp nông thôn. Các doanh nghiệp có sản phẩm của riêng mình, nhưng chưa có điều kiện xuất khẩu sang EU.
Tập trung những lĩnh vực hàng hóa là các lĩnh vực Việt Nam đang có lợi thế xuất khẩu, là các sản phẩm thương hiệu Việt. Nhất là các sản phẩm từ nông sản, thủy sản, làng nghề, các sản phẩm đồ gỗ, các sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam được sản xuất, đóng gói, lắp ráp và đăng ký tại EU.
Phương châm hợp tác các doanh nghiệp trong nuớc và doanh nghiệp Việt kiều trong xuất khẩu cần đảm bảo chi phí thấp nhất, chất luợng đảm bảo, giá cạnh tranh, hợp tác lâu dài và tuân thủ luật pháp Việt Nam, luật pháp EU.
Thực tiễn trong những năm gần đây, nhiều nước (Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ v.v) đã hình thành các trung tâm hàng xuất khẩu của các nhà máy, doanh nghiệp tại EU (như ở Ba Lan), cũng như các khu sản xuất, lắp ráp các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Ý, Pháp, Đức.
Các trung tâm này vừa giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi, vừa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, thương hiệu quốc gia.
Với cơ hội của EVFTA, đã đến lúc Việt Nam nên hình thành các trung tâm hỗ trợ xuất khẩu tại EU. Cách tốt nhất là các trung tâm thương mại của Việt Kiều đang có (nhất là tại các nước Đông Âu) hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Từ đó, từng bước chuyển đổi thành các trung tâm hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt.
Nhiệm vụ chính của trung tâm hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt tại EU là:
Thứ nhất, nghiên cứu thị trường, giúp các doanh nghiệp trong nước hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn EU;
Thứ hai, quảng bá sản phẩm (hội chợ, hội thảo, các kênh truyền thông), tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm; thành lập các đại diện, đại lý cho các DN trong nước; đầu tư xây dựng các khu giới thiệu sản phẩm xuấ khẩu, kho bãi và hệ thống logistic phân phối hàng hóa;
Thứ ba, xây dựng các kênh bán trực tiếp hay hàng online (bán buôn, bán lẻ) bằng các ngôn ngữ các nước EU; giúp các doanh nghiệp trong nước ký kết hợp đồng, giám sát hợp đồng, xử lý tranh chấp, khiếu nại thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm nguồn nguyên liệu, công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất hay mở rộng sản xuất, lắp ráp tại EU.
Để hiện thực hóa ý tưởng thành lập trung tâm hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt Nam tại EU, ngoài việc sẵn sàng đầu tư, hợp tác của các trung tâm thương mại Việt Nam tại EU rất cần sự ủng hộ của chính quyền, Tổ chức, Hiệp hội nghề…
TS Bình khẳng định, các trung tâm thương mại Việt Kiều tại Ba Lan đủ điều kiện và sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp Việt Kiều cùng hợp tác xuất khẩu hàng VN vào EU vì sự phát triển của doanh nghiệp, góp phần xây dựng đất nước.