Hàng Việt: Cần góc nhìn minh bạch
Trong những tranh luận gần đây về việc hiểu 'thế nào là hàng Việt Nam', nổi lên góc nhìn đa chiều về định nghĩa hàng Việt Nam như thế nào là 'chuẩn' nhất. Trong thời buổi hội nhập, khi nền sản xuất của cả quốc gia có khi chỉ là một mắt xích rất nhỏ nhoi trong một sản phẩm mang tính đa quốc gia, thì việc dán nhãn mặt hàng đó thuộc về quốc gia nào không còn đơn giản nữa. Hàng Việt không thể được hiểu đơn giản là chỉ cần 100% các chi tiết trên sản phẩm đều làm tại Việt Nam thì được 'tính' là hàng Việt, mà còn lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, trong đó có việc ai là chủ sở hữu thực sự của thương hiệu đó. Chiếc điện thoại iPhone của hãng Apple có thể được sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc và dán nhãn 'made in China', nhưng thương hiệu vẫn là của Mỹ.
Vậy nên, ngay cả dự thảo thông tư của Bộ Công thương về quy định thế nào là hàng Việt Nam với 4 chương, 16 điều, được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam cũng đang gây nhiều tranh luận và đặt ra nhiều định nghĩa, mức độ khác nhau về hàng Việt.
Thực ra, việc quy định rõ ràng thế nào là hàng Việt Nam, nhìn một cách lâu dài thì không nên chỉ nhằm mục đích xác định một mặt hàng có phải là hàng trong nước hay không để “lấy lòng” người tiêu dùng. Sẽ đến một lúc nào đó, sự ưu tiên mua và sử dụng hàng Việt Nam của người tiêu dùng sẽ không còn cao như hiện nay, khi hàng ngoại nhập tràn vào với giá cả và chất lượng phù hợp thông qua các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký. Khi đó, hàng hóa có phải là hàng Việt Nam hay không không còn quá quan trọng, mà quan trọng là bản thân mặt hàng đó đủ phẩm chất để người tiêu dùng chọn lựa hay không mà thôi.
Phân biệt rõ khái niệm hàng Việt là hành động cần được nhìn nhận như một cách bảo vệ quyền lợi cho cả người tiêu dùng dẫn doanh nghiệp sản xuất. Người mua cần được thông tin rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, chủ sở hữu thương hiệu của mặt hàng mình đã bỏ tiền mua.
Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, việc xác định rõ ràng khái niệm thế nào là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam (made in Vietnam) là vấn đề đặc biệt quan trọng. Nếu làm không đúng, sẽ dễ xảy ra tình trạng gian lận xuất xứ, nhãn mác vì mục đích giảm giá thành, tăng lợi nhuận để cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường quốc tế lẫn thị trường nội địa. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc phát triển thương hiệu Việt Nam trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.